Du lịch lịch sử đổi mới cho tương xứng giá trị

06:02 - Thứ Năm, 12/05/2022 Lượt xem: 6411 In bài viết

ĐBP - “Điểm di tích này hết rồi à, chỉ có vậy thôi ư...” là câu mà nhiều du khách cảm thán sau khi tham quan một số di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Có hệ thống di tích trải dài, dày đặc nhưng việc khai thác, tạo ra các trải nghiệm, cảm giác chân thực, phát triển các dịch vụ liên quan để du khách sử dụng và ấn tượng, muốn quay trở lại Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, đơn điệu. Để bứt phá, thực sự đưa du lịch, mà trụ cột là du lịch lịch sử, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà, cần đầu tư và đổi mới nhiều hơn nữa.

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Theo thống kê của Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số lượng khách du lịch đến tham quan các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2020 chiếm 70% số lượng khách tham quan khi đến với Điện Biên. Đồng thời kết quả khảo sát ý kiến khách du lịch năm 2020 thì phần lớn khách du lịch đến Điện Biên với mục đích chính là tham quan, tìm hiểu di tích chiến trường xưa.

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước năm 2009. Quần thể di tích có 45 điểm di tích thành phần, trải dài trên địa bàn 2 huyện Tuần Giáo, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học và kinh tế. Tuy nhiên hiện nay mới có 9/45 điểm được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Một số di tích đã được đầu tư song cũng chưa hoàn chỉnh, chưa đưa vào phục vụ khách tham quan như Trung tâm Đề kháng Him Lam, một số điểm thì đã tôn tạo, xây dựng công trình trên đó nhưng chưa phát huy được giá trị như Đồi E với Trung tâm Văn hóa cựu chiến binh, di tích trận địa pháo H6, 105... Tại Hội khảo khoa học “Nội dung và giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên” được tổ chức mới đây, ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh thẳng thắn đánh giá: “Cơ sở vật chất các điểm di tích còn nghèo nàn, chưa có các khu dịch vụ tiêu chuẩn; hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, chưa mang lại cho du khách cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của khách tham quan. Chúng ta cũng chưa tạo được các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với Chiến trường Điện Biên Phủ, chưa tạo được các tour du lịch hấp dẫn”.

Tại Hội thảo, nhà nghiên cứu lịch sử Võ Quốc Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại của quần thể di tích: “Sau gần 70 năm, hiện trạng lòng chảo Điện Biên Phủ đã có rất nhiều thay đổi. Khách du lịch đại đa số sẽ không hình dung được quy mô chiến trường và trực quan về khung cảnh các trận đánh năm xưa. Tại phần lớn các điểm di tích, dấu tích nguyên bản đã rất mờ nhạt hoặc bị phủ lấp hoàn toàn. Mối liên hệ, gắn kết giữa các điểm di tích còn yếu. Cơ bản điểm tham quan nằm trong hàng rào di tích. Do đó, hình thức tham quan còn mang tính chất thụ động, chưa tạo được mạch cảm xúc cao, kích thích ham muốn khám phá, tìm hiểu của du khách... Mặc dù vậy, quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có nhiều điểm lợi thế có tính khác biệt để gắn với phát triển du lịch. So sánh với các quần thể di tích của những địa phương khác, quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có tính đặc thù cao, thuận lợi để nghiên cứu, tổ chức tour, tuyến du lịch trải nghiệm lịch sử...”.

Thêm trải nghiệm, ấn tượng cho du khách

Một vài năm gần đây, tại các điểm di tích, tham quan du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh ta đã có thêm các hình thức trải nghiệm, tăng tính kết nối với du khách. Như hoạt động trải nghiệm “Làm chiến sĩ Điện Biên”, kết nạp đảng, sinh hoạt chính trị tại các điểm di tích lịch sử... Mới đây, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia lần đầu tiên thực hiện tour online với chủ đề “Âm vang Điện Biên” tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP. Điện Biên Phủ). Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức giáo dục truyền thống lịch sử, tham quan trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Zoom. Đây là thử nghiệm để Bảo tàng triển khai phối hợp với các cơ sở giáo dục xây dựng giờ học lịch sử ý nghĩa, hiệu quả và vui vẻ trong thời gian tới.

Cùng với việc truyền tải giá trị cốt lõi là lịch sử, các điểm di tích, bảo tàng cũng đã quan tâm, trau chuốt đến cảnh quan như một giá trị tăng thêm. Tháng 5 lịch sử, du khách đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ hiểu hơn sự cam go, ác liệt của chiến dịch thông qua các hiện vật, tài liệu và bức tranh tái hiện lịch sử mang tầm quốc tế mà còn được thư giãn, “sống ảo” thật đẹp tại lối vào, với vườn hoa hướng dương, hoa cánh bướm bung nở rực rỡ. Dịp này, du khách đến với Điện Biên cũng không thể quên chụp hình trên Đồi A1, với thảm cỏ lạc “hoa vàng trên cỏ xanh” mướt mắt và những cây phượng vĩ nở đỏ cả khoảng trời, như tháng 5/1954 rực lửa.

Đã có những đổi mới, tạo thêm ấn tượng cho du khách, tuy nhiên để níu chân, mời khách phương xa quay trở lại tham quan nhiều lần thì các trải nghiệm trên thực sự vẫn còn nhạt nhòa hoặc chưa được biết đến rộng rãi, chưa thu hút được nhiều đoàn khách ngoại tỉnh quan tâm. Trong khi ngành du lịch ngày càng phát triển, đòi hỏi cao; nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lịch sử của người dân ngày càng lớn và đi vào chiều sâu. Vì vậy, hoạt động du lịch lịch sử tại địa bàn tỉnh ta cần thay đổi đa dạng, phong phú, có tính tương tác cao hơn. Tại Hội khảo khoa học “Nội dung và giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên”, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến, gợi mở nhiều giải pháp có giá trị như: Tổ chức, bố trí các điểm quan sát bao quát toàn cảnh lòng chảo Điện Biên Phủ; đa dạng hóa thông tin trên thực địa; đưa thêm các di tích đã được bảo tồn, tôn tạo vào thu phí, phục vụ khách tham quan; duy trì các phương pháp truyền thống như hướng dẫn, thuyết minh trực tiếp, tổ chức triển lãm... đồng thời xây dựng các hoạt động mới gắn với tham quan di tích như trải nghiệm bắn súng, đánh trận, hành quân, cuộc sống sinh hoạt của chiến sĩ, khám phá giao thông hào; nghe chiến sĩ Điện Biên kể chuyện; thi làm hướng dẫn viên tại điểm di tích cho học sinh, sinh viên...

Với số lượng các điểm di tích nhiều, mật độ dày, tập trung xung quanh lòng chảo, mỗi tấc đất Điện Biên có thể kể một câu chuyện lịch sử. Bởi vậy di tích lịch sử là then chốt trong chuỗi sản phẩm du lịch, là điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch tại tỉnh ta. Muốn thu hút ngày càng lớn số lượng du khách đến với Điện Biên, thì hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích phải đặc biệt được coi trọng và làm mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của du khách.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top