Du lịch các huyện vùng ngoài vẫn chỉ là tiềm năng

06:07 - Thứ Hai, 06/06/2022 Lượt xem: 6451 In bài viết

ĐBP - “Lên đây công tác và xây dựng gia đình hơn 10 năm. Quãng thời gian khó khăn ấy tôi thấy hoạt động du lịch của huyện vẫn vậy, trong khi mỗi năm về quê lại thấy thay đổi với nhiều khu, điểm, dịch vụ du lịch mới”. Đó là chia sẻ của nhiều người chọn mảnh đất Điện Biên làm quê hương thứ 2, hiện đang sinh sống, làm việc tại một số huyện trong tỉnh. Thực tế, các huyện ngoài lòng chảo Mường Thanh có những đặc điểm, lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên đến nay vẫn còn dừng ở “tiềm năng”, chưa có nhiều mô hình khai thác hiệu quả được những lợi thế ấy.

Tuần Giáo hội tụ nhiều đặc điểm thu hút, phát triển du lịch. Du lịch sinh thái gồm nhiều cảnh đẹp hùng vĩ như đèo Pha Đin, khu sinh thái Tênh Phông, thác Mường Thín, hang động, suối khoáng nóng bản Sáng... Về du lịch lịch sử, có nhiều di tích được xếp hạng như: Di tích đèo Pha Đin, hang Thẳm Púa, Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung... Du lịch cộng đồng cũng có tiềm năng với bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc một số dân tộc Thái, Mông... Một lợi thế khác của huyện là tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 279 đi qua tạo thành ngã ba giao lưu giữa miền xuôi với tỉnh Điện Biên. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiềm năng là vậy, nhưng du khách dừng chân tại Tuần Giáo thường chỉ biết đến điểm check - in đèo Pha Đin với 2 khu du lịch sinh thái (chủ yếu trồng các loại hoa). Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo nhận định: “Sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện chưa đặc sắc và đa dạng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch không nhiều, các di tích đã được xếp hạng và những điểm có tiềm năng phát triển du lịch chưa được đầu tư các công trình phụ trợ để phục vụ khách du lịch, chưa tạo thành tuyến và kết nối với các khu điểm du lịch của các địa phương khác”.

Tại huyện Mường Ảng, giai đoạn 2016 - 2021, huyện đón trên 60.000 lượt khách, đã đưa vào sử dụng điểm dừng chân ngắm cảnh tại đèo Tằng Quái; khảo sát, thu thập thông tin các địa điểm có dấu hiệu di tích, các hang động trên địa bàn huyện để lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng; khảo sát quy hoạch một số điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp; bảo tồn Tết Nào Pê Chầu dân tộc Mông và một số nghề truyền thống dân tộc... Tuy nhiên thực tế hiện tại khi đến địa bàn, khách du lịch có quá ít lựa chọn về điểm đến và nơi lưu trú. Du khách thường dừng chân ngắm cảnh tại đèo Tằng Quái, nhâm nhi cà phê Mường Ảng, trải nghiệm khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn... rồi về trong ngày, trong buổi. Trên địa bàn có 10 nhà nghỉ với 72 phòng nhưng cơ sở vật chất còn yếu, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khách ngủ nghỉ khi đến du lịch. Bởi vậy, du lịch Mường Ảng vẫn còn là tiềm năng, cần đầu tư, khai thác, phát triển.

Mỗi huyện trên địa bàn tỉnh ta đều có tiềm năng, lợi thế riêng về phát triển du lịch, với bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng các di tích, hang động... Tuy nhiên chưa hình thành nhiều khu, điểm du lịch, kết nối thành tour, tuyến thu hút, giữ chân khách tham quan, trải nghiệm. Các điểm (khu du lịch sinh thái, check - in) hút khách hiện tại ở nhiều huyện lại là mô hình tự phát, nhỏ lẻ, do cá nhân, hộ gia đình phát triển, như: Pu Pha Đin, Pha Đin Pass, Đào Viên Sơn, dịch vụ hồ Noong U... Cùng với đó nhiều huyện chưa xây dựng, phát triển được bản văn hóa du lịch, du lịch cộng đồng, như: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ. Bởi vậy thời gian lưu trú của du khách thường ngắn, ít nghỉ qua đêm; khách du lịch thuần túy chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn là khách đến công tác kết hợp du lịch.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên. Ở nhiều nơi, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một số bộ phận người dân về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế chưa đầy đủ; việc xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch cách xa nhau; nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế, nguồn thu địa phương thấp, nguồn vốn huy động khác còn gặp nhiều khó khăn... Để biến tiềm năng thành hiện thực, các huyện còn nhiều việc cần phải làm, từ quy hoạch, đầu tư, đào tạo bồi dưỡng nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch... đến tuyên truyền, xúc tiến quảng bá... Du lịch bứt phá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội không chỉ là kỳ vọng, mong muốn của người dân trên địa bàn mà còn là mục tiêu đại hội Đảng các cấp đề ra.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top