Lối đi riêng cho du lịch Bắc Kạn

07:11 - Chủ Nhật, 12/06/2022 Lượt xem: 9209 In bài viết

Là địa phương có nhiều tiềm năng về thiên nhiên, giá trị văn hóa nhưng du lịch Bắc Kạn vẫn được xem là “vùng trũng” khi còn nhiều vướng mắc để phát triển một cách chuyên nghiệp. Để giải quyết những “điểm nghẽn” đang khiến du lịch “giậm chân tại chỗ”, địa phương đang nỗ lực liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản phẩm mới.

Hồ Ba Bể, điểm đến thu hút du khách.

Tiềm năng chưa thành tài sản

Bến Buốc Lốm (huyện Ba Bể) - nơi đưa du khách trải nghiệm thuyền trên hồ Ba Bể rộn ràng tiếng nhạc trong Tuần lễ du lịch - di sản văn hóa Ba Bể năm 2022 vừa diễn ra. Nhưng ngoài sự tưng bừng của tiếng nhạc, cơ sở hạ tầng của bến thuyền này không có nhiều thay đổi so với nhiều năm trước. Khu vực bến xuống vẫn là dãy nhà điều hành đơn sơ, có phần xuống cấp. Khu bến lên, la liệt hàng quán bán các loại cá khô, cá nướng, thuốc cổ truyền... Chỗ để khách dừng chân gần như không có. 

Chị Nguyễn Thùy Dương, một du khách tham quan hồ Ba Bể cho biết, chị từng du lịch tại đây 5 năm trước, nhưng đến nay các dịch vụ ở đây vẫn không có gì thay đổi. “Phương tiện cho khách tham quan, trải nghiệm hồ Ba Bể không còn là thuyền độc mộc mà là thuyền máy. Các dịch vụ bến bãi còn sơ sài”, chị Dương nhận xét.

Từ nhiều năm nay, tỉnh Bắc Kạn nỗ lực phát triển du lịch với vùng lõi là Vườn quốc gia Ba Bể, gồm các địa danh đã được đánh dấu trên “bản đồ du lịch” như: Hồ Ba Bể, Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, thác Tát Mạ, sông Năng, động Hua Mạ...

Ngoài Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cũng mở rộng khai thác du lịch tại các địa phương khác như: Huyện Na Rì với các điểm đến là động Nàng Tiên, thác Nà Đăng, nhà văn hóa truyền thống huyện Na Rì tưởng nhớ Bác Hồ; huyện Ngân Sơn với khu du lịch Đèo Gió, thác Nà Khoang, khu du lịch hồ sinh thái bản Chang - nơi được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” của Bắc Kạn.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng hình thành một số khu du lịch cộng đồng, tập trung ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. 

Du khách khám phá động Nàng Tiên (huyện Na Rì), một trong những hang động đẹp của tỉnh Bắc Kạn, nhưng vẫn cần điều chỉnh hướng đầu tư.

Tiềm năng du lịch của Ba Bể được đánh giá là phong phú. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, nhiều điểm đến của Bắc Kạn thiếu hoạt động trải nghiệm, có nơi khai thác làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Điển hình như động Nàng Tiên ở huyện Na Rì sử dụng thiết bị chiếu sáng quá nhiều màu sắc, hay thác Nà Khoang ở Ngân Sơn bị bê tông hóa.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty du lịch Sen Á Đông Đoàn Văn Dũng cho rằng, Bắc Kạn đang thiếu những tuyến kết nối giữa các điểm du lịch khiến cho tiềm năng du lịch trên địa bàn chưa được khai thác hết. Bên cạnh đó, cách khai thác vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, nhiều nơi đang mất đi bản sắc văn hóa, nhà sàn bị thay thế bằng nhà tôn… 

Du lịch Bắc Kạn đang tập trung hướng tới sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá.

Xây dựng thương hiệu loại hình trekking

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách. Giống như nhiều tỉnh vùng Đông - Tây Bắc có tiềm năng thiên nhiên, văn hóa tương đồng, Bắc Kạn đang cố gắng tìm ra lối đi riêng để tạo nên bản sắc trong các sản phẩm du lịch.

Đóng góp ý kiến cho phát triển du lịch Bắc Kạn, Giám đốc Công ty du lịch Ventindo Travel Thái Thị Thanh Lan cho rằng, tỉnh Bắc Kạn cần tập trung vào một số sản phẩm du lịch trọng điểm, điển hình như tại khu vực hồ Ba Bể. Để thu hút du khách, tỉnh Bắc Kạn cần nâng cấp chất lượng dịch vụ bến thuyền đón khách. Ngoài ra, địa phương cần khôi phục hoạt động trải nghiệm thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể - sản phẩm độc đáo nhưng nay đã mất.

Còn theo ông Dieter Schenk, chuyên gia du lịch của Tập đoàn TUI Blue (Đức), Bắc Kạn nên đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, đồng thời nên khai thác các di sản văn hóa phi vật thể như hát then, múa bát của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Muốn vậy, Bắc Kạn cần đào tạo lại đội ngũ nhân sự, hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên tại điểm.

Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn đang xây dựng thêm sản phẩm trải nghiệm như trekking hướng tới dòng khách quốc tế và khách nội địa yêu thích thể thao.

Trước những gợi ý về việc xây dựng sản phẩm mới mang tính đặc thù, Giám đốc Công ty du lịch Mr Linhs Adventure Nguyễn Tuấn Linh, thành viên Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn cho biết, hiệp hội đang cùng một số đơn vị lữ hành xây dựng thêm các sản phẩm khám phá quần thể hang động tại Bắc Kạn, khai thác một số tuyến du lịch mạo hiểm, trekking trong rừng, chèo thuyền kayak, tổ chức giải chạy khám phá núi rừng của Bắc Kạn.

“Trước đây, chúng tôi đã khai thác các tuyến du lịch mạo hiểm cho khách nước ngoài. Tới đây, Bắc Kạn sẽ phát triển thêm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm dành cho cả khách quốc tế và khách nội địa”, ông Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ.

Trước yêu cầu mới trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, tỉnh đang xây dựng quy hoạch hồ Ba Bể thành trung tâm du lịch của tỉnh. UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Ba Bể quản lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường, quy định chặt chẽ việc thu gom, xử lý rác trên mặt hồ; tổ chức xây dựng các tour trong hồ Ba Bể phù hợp hơn; xây dựng chính sách để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, bảo đảm phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top