Phát triển du lịch ở Mường Nhé

Cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn

07:24 - Thứ Bảy, 25/06/2022 Lượt xem: 8721 In bài viết

ĐBP - Mường Nhé có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng; hơn nữa đây cũng là mảnh đất có tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó, chưa được đầu tư đồng bộ, xứng tầm (thiếu khu nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông; công tác quảng bá, tuyên truyền chưa đa dạng...) nên đến nay, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Du khách chinh phục, chụp ảnh lưu niệm tại Cột mốc số 0 - A Pa Chải.

Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế

Nói đến Cột mốc số 0 - Mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, không khó để nhiều người nhận ra đây là một trong những điểm nhấn về du lịch ở Mường Nhé và được mệnh danh là nơi “một con gà gáy 3 nước đều nghe”. Cột mốc nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, cách TP. Điện Biên Phủ hơn 260km về phía Tây, đi theo quốc lộ 12 và 4H. Từ lâu, nơi đây là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương. Hàng năm, có hàng nghìn du khách đã đến đây để chinh phục cột mốc cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ khi đứng trên núi cao. Ngoài Cột mốc số 0, ở Mường Nhé, còn nhiều điểm đến hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, chợ phiên Nậm Pố, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu... Cùng với đó, với 10 dân tộc chung sống, đến đây, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, tinh túy (tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, âm nhạc, tri thức dân gian...) của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, hiện nay bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, các lễ hội đặc trưng, như: Tết cổ truyền (Hồ Sự Chà), Múa (Cá nhi nhi), Lễ Cúng bản (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; Lễ cúng cơm mới, lễ cưới, nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; lễ cúng tổ tiên của người dân tộc Thái, lễ cúng tổ tiên của người Cống...

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song qua đánh giá của huyện Mường Nhé, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện còn có nhiều hạn chế, như: Sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn; tính cạnh tranh chưa cao; công tác lập, triển khai quy hoạch các khu, điểm du lịch chưa thực hiện được; các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch chưa có; hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa bài bản, hạn chế về quy mô và nguồn lực; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện nay, huyện mới chỉ có 15 cơ sở lưu trú với 99 buồng (157 giường), 15 nhà hàng ăn uống.

Để du lịch “cất cánh”

Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, nhất là với những lợi thế về các điểm du lịch, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện Mường Nhé đã thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan về việc phát triển du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, để đánh giá tiềm năng cũng như lợi thế về du lịch của huyện nhà, năm 2021, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé và một số phòng, ban chuyên môn đã tổ chức nhiều đợt khảo sát tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời, mời các doanh nghiệp kinh doanh du lịch như: Đoàn Famtrip Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội... đến khảo sát tiềm năng du lịch tại huyện. Ngoài ra, huyện cũng đã và đang tích cực phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tổ chức phục dựng một số lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây, như: Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống... từ đó tạo điểm nhấn trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Căn cứ vào các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm của huyện, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy; vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự quản lý thống nhất của các cơ quan Nhà nước. Trên tinh thần đó, huyện đang hết sức tập trung phát triển nhanh, đa dạng hóa các dịch vụ thương mại du lịch, như nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn. Trong đó, tập trung vào sản phẩm hiện có, như: Tham quan du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên, khu nước nóng tại Quảng Lâm, điểm săn mây Nậm Kè, chợ phiên Nậm Pố, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước; du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống 10 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Riêng với khu di tích Đồn Pháp, đây là một chứng tích ghi dấu sự cai trị của thực dân Pháp tại huyện Mường Nhé trong lịch sử xâm lược Việt Nam. Hiện nay chứng tích Đồn Pháp nằm tại bản Phiêng Kham, cách trụ sở UBND xã Mường Nhé 1,5km. Cuối năm 2021 vừa qua, huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích Đồn Pháp là di tích cấp tỉnh và xây dựng phương án quản lý, bảo vệ.

Không chỉ phát huy những lợi thế sẵn có, theo ông Nguyễn Quang Hưng, hiện nay, huyện đang đặc biệt tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết hình thành các tour, tuyến du lịch. Đầu tư xây dựng một số bản văn hóa tiêu biểu gắn với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, như: Bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu; bản Nậm Là, xã Mường Nhé; bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè; bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm... Đồng thời bảo vệ khai thác có hiệu quả các danh lam thắng cảnh hiện có. Với những nỗ lực và quyết tâm cao, huyện đang phấn đấu đến năm 2025, Mường Nhé sẽ là một trong một những điểm đến hấp dẫn trong chuỗi sản phẩm du lịch của tỉnh, từ đó tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top