Du lịch Việt Nam “bừng sáng”

08:07 - Thứ Sáu, 08/07/2022 Lượt xem: 9263 In bài viết

Trong 6 tháng đầu năm 2022, bức tranh du lịch Việt Nam “bừng sáng” với lượng khách tăng mạnh, đặc biệt là du lịch nội địa đã hồi phục hoàn toàn, có thời điểm còn đạt mức tăng trưởng cao hơn cả năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy du lịch đang dần lấy lại được đà phát triển, dự báo tiếp tục có những kết quả tích cực trong những tháng cuối năm.

Khám phá thành phố Hà Nội trên xe buýt 2 tầng Hanoi City tour là trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: Thành Long

Khách nội địa tăng mạnh

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Mới qua 6 tháng, ước tính ngành Du lịch đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, vượt kế hoạch của cả năm 2022. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5, nhiều địa phương kín khách, công suất sử dụng buồng phòng đạt từ 90% đến 95%.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn và là điểm sáng của bức tranh du lịch Việt Nam. Đây là cơ sở để toàn ngành nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín, có vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trên thực tế, với nỗ lực phục hồi, nhất là chủ trương của Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3, các địa phương đã đẩy mạnh quảng bá, xây dựng sản phẩm mới... Nhiều địa phương đã đạt được con số kỷ lục về việc đón khách trong 6 tháng đầu năm 2022. Chẳng hạn, thành phố Hồ Chí Minh đón 11 triệu lượt khách nội địa (đạt 61,6% kế hoạch năm 2022) và tổng doanh thu du lịch từ đầu năm đến nay ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 30%. Thủ đô Hà Nội đón 8,61 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khách du lịch nội địa đạt khoảng 8,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ở các địa phương phát triển du lịch biển, lượng khách tăng nhanh, nhất là những tháng cao điểm hè, như: Tỉnh Thanh Hóa đón 6,8 triệu lượt khách, tăng 131,6%; tỉnh Quảng Ninh đón 5,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần; tỉnh Khánh Hòa đón hơn 1 triệu lượt du khách, tăng 128,64% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố Đà Nẵng có lượng khách tăng nhanh từ cuối quý I-2022. Nhiều khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú có công suất buồng, phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt từ 70% đến 75%...

Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động du lịch nội địa đã tăng trưởng mạnh, nhất là vào mùa cao điểm hè. Trong đó, hình thức du lịch biển, du lịch gia đình, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) nở rộ và phát triển mạnh.

Bảo tàng Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những điểm thu hút khách du lịch tham quan.

Kỳ vọng vào khách quốc tế

Không chỉ thị trường nội địa, thị trường khách quốc tế cũng có chuyển biến tích cực, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87%, gấp 9,4 lần, và khách đến bằng đường bộ chiếm gần 13%, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, công cụ tìm kiếm Google Destination Insights cũng cho thấy, sau 3 tháng Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch, lượng tìm kiếm thông tin từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 6-2022 tăng 1.125% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các thị trường khách tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Singapore, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Đức, Canada, Anh... Các điểm đến được khách quốc tế tìm hiểu nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)...

Mặc dù số lượng khách quốc tế đã có dấu hiệu tích cực so với hai năm 2020, 2021, song theo Tổng cục Du lịch, nếu so với thời điểm năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch Covid-19), lượng khách giảm 92,9%. Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, thời điểm này, nhiều quốc gia vẫn thực hiện biện pháp hạn chế đi lại, nên việc đón khách ở một số thị trường trọng điểm còn khó khăn. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Ventindo Travel Thái Thị Thanh Lan, giá nhiên liệu tăng kéo theo nhiều chi phí phát sinh, khiến cho các đơn vị kinh doanh du lịch inbound (đón khách quốc tế) gặp trở ngại. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh cho hay, chính sách thị thực nhập cảnh chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày, khiến nhiều khách quốc tế đắn đo khi lên kế hoạch du lịch dài ngày tại Việt Nam.

Đề cập đến việc đón khách quốc tế từ nay đến cuối năm 2022, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thông tin, mùa cao điểm đón khách quốc tế thường vào cuối năm. Lúc này, các đơn vị kinh doanh du lịch cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách; quảng bá, tuyên truyền du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; có chính sách đón khách cởi mở để khách quốc tế quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành Du lịch Thủ đô đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế bằng 50% của năm 2019.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top