Tín hiệu lạc quan tạo đà phục hồi du lịch

08:08 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 8113 In bài viết

ĐBP - Số lượt khách du lịch đến Điện Biên trong 6 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ bằng tổng lượng khách cả năm 2021. Có thể thấy, những tháng qua, du lịch Điện Biên đang phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Và hơn thế nữa, du lịch đang trên đà phát triển với mục tiêu bứt phá, xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

Du khách tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

6 tháng đầu năm, Điện Biên đón tiếp 331.250 lượt khách du lịch. Trong đó, khách có lưu trú đạt 280.925 lượt (khách quốc tế đạt 465 lượt), khách tham quan trong ngày đạt 50.325 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 514,7 tỷ đồng. Năm 2021, lượng khách du lịch đến Điện Biên là hơn 339.000 lượt.

Không cần các con số thì cũng dễ dàng nhận thấy nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong quý II/2022, các điểm đến tại Điện Biên sôi động hơn hẳn. Vào các dịp cao điểm như Lễ hội Hoa Ban, nghỉ lễ 30/4 - 1/5, kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5...  Các điểm di tích có lượng khách tăng cao, khách xếp hàng chờ vào tham quan... Như dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, số lượng khách đạt trên 65.000 lượt (tăng 3,32 lần so với cùng kỳ năm 2021). Các đơn vị quản lý di tích, điểm tham quan huy động hết nhân lực để đón tiếp, phục vụ thuyết minh, hướng dẫn du khách với nhiều ca trong ngày, nhưng vẫn không thể đáp ứng hết được. Chỉ tính riêng ngày 1/5, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đón trên 15.000 lượt khách. Cán bộ, người lao động Bảo tàng làm việc liên tục, thâu trưa, không có thời gian nghỉ ngơi. Với dư âm đó và sự cộng hưởng vào mùa du lịch, lượng khách đến Điện Biên tại thời điểm này vẫn duy trì ở mức khá.

Lượng lớn du khách ấy cũng đã giúp vực dậy hoạt động của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Công suất sử dụng buồng, phòng, bàn ăn tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú cũng thường xuyên đạt tối đa. Nhà hàng Lẩu Then quán là một trong những địa điểm phục vụ ẩm thực đa dạng, đặc biệt nổi tiếng với các món ăn truyền thống dân tộc Thái, được nhiều đoàn khách du lịch lựa chọn. Năm 2022, nhà hàng mở rộng quy mô lên 20%. Dù có khuôn viên rộng, quy mô phục vụ đoàn khách lẻ lên tới 50 - 60 mâm, khách đoàn lớn/sự kiện 70 - 80 mâm, nhưng các dịp cao điểm, cuối tuần, nhà hàng vẫn thường xuyên kín chỗ. Anh Nguyễn Xuân Thọ, chủ nhà hàng cho biết: “Bắt đầu từ cuối tháng 2 đến dịp 30/4 và 7/5, khách đến thưởng thức ẩm thực tại Nhà hàng rất đông, lượng bàn khách ngoài tỉnh lên đến trên 60 - 70% tổng số bàn đặt. Sau những dịp lễ ấy, khách có vãn hơn nhưng vẫn đều đặn đông vào dịp cuối tuần. Ngoài ẩm thực, thì nhiều đoàn khách có nhu cầu giao lưu văn nghệ truyền thống. Trung bình mỗi tuần có 1 đoàn khách ngoại tỉnh đặt Nhà hàng kết nối giao lưu văn nghệ. Vì thế Nhà hàng có đội văn nghệ riêng và thường xuyên kết nối với đội văn nghệ các bản văn hóa Pom Loi, Phiêng Lơi, bản Ten...”.

Tại Khu du lịch sinh thái Him Lam (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6), các dịp cao điểm cũng luôn kín phòng, sử dụng hết công suất, phải từ chối nhiều đoàn khách do không đủ cơ sở vật chất. Nhờ có đường bay Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh, khách miền Nam trở thành một tệp khách quan trọng, chiếm số đông trong tổng lượt khách của resort. Đến thời điểm hiện tại, những dịp cuối tuần vẫn luôn đông, khách thường phải đặt phòng trước 1 - 2 tuần. Ngoài lưu trú, số lượng khách chỉ ghé tham quan Khu sinh thái và nhà sàn gỗ Lim (lớn nhất Việt Nam) cũng đạt 5.000 - 7.000 lượt khách.

Tín hiệu lạc quan từ du lịch cũng thúc đẩy Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực du lịch. Hiện doanh nghiệp có các cơ sở Khu du lịch sinh thái Him Lam (Him Lam Resort), Khu Du lịch Khoáng nóng Uva và đang triển khai kế hoạch xây dựng 1 trung tâm sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương làm quà tặng, lưu niệm của du khách. Anh Bùi Anh Tiến, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Kết quả hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Công ty trong 2 quý đầu năm so với các năm trước là tín hiệu mừng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Công ty tiếp tục tích cực tham gia cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các chương trình xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành phố. Đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất hiện có và nâng cấp sửa chữa, xây dựng đầu tư theo quy hoạch trước đó, kết nối tạo thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Như đầu tư phát triển Khu Du lịch Khoáng nóng Uva trở thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, gắn với văn hóa bản địa mang yếu tố tâm linh, cội nguồn dân tộc Thái, và nâng giá trị sản phẩm lên với trải nghiệm tắm khoáng nóng trị liệu kết hợp với các món ăn trị liệu từ sâm. Hướng tới tạo thành những địa điểm có sự liên kết, không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Điện Biên: Thăm nhà sàn gỗ lim, tắm khoáng nóng U Va và mua sắm quà mang đặc trưng địa phương tại trung tâm sản phẩm OCOP...”.

Tạo đà du lịch Điện Biên phục hồi. Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngày càng quan tâm, đầu tư hơn cho các hoạt động, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thu hút du khách và đón đầu lượng khách. Đó cũng là kết quả từ việc tích cực tổ chức, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với tình hình phòng, chống dịch từng thời điểm của tỉnh nhà, như Lễ hội Hoa Ban năm 2022; đưa vào khai thác sử dụng một số công trình văn hóa, tâm linh như bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ), Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với đó là quan tâm cho định hướng dài hạn với việc xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xúc tiến, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2024;  triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc mở rộng, giữa Điện Biên với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định; chuẩn bị cho Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên năm 2022...

Với những nỗ lực, sự quan tâm đầu tư ấy, du lịch Điện Biên chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa để xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có mà lịch sử và tự nhiên ban tặng.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top