Nâng cao chất lượng phục vụ du khách

08:11 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 8405 In bài viết

ĐBP - Trong những năm gần đây, sức hút du lịch Điện Biên ngày càng tăng cao, nhất là du khách về tham quan các điểm di tích. Với số lượt khách ngày càng tăng, vấn đề đặt ra cho Ban Quản lý di tích tỉnh hiện nay là làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ du khách hơn nữa, hướng tới mục tiêu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”…

Hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh phục vụ du khách trên di tích Đồi A1.

Sau “cơn bão” Covid-19, lượng khách du lịch đến Điện Biên nói chung, tham quan tại các điểm di tích nói riêng có sự phục hồi đáng kể. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là 130.284 lượt người. Qua tìm hiểu, đại đa số du khách hiện nay vẫn tương đối hài lòng đối với chất lượng phục vụ. Những ấn tượng sâu sắc của du khách khi đến tham quan các điểm di tích như phong cách phục vụ chu đáo, thân thiện, nhẹ nhàng và không thiếu sự nhiệt tình. Tất nhiên với việc “làm dâu trăm họ” vẫn khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều hay những phản ứng khá tiêu cực từ du khách. Đó cũng chính là những bài học để từ đó rút kinh nghiệm trong thời gian tới.  “Tôi đến từ tỉnh Hà Giang, cách TP. Điện Biên Phủ hơn 500km. Lần này tôi đến Điện Biên đã là lần thứ hai. Dịp trước đến khách du lịch đông quá, chỉ được xem chứ chưa được nghe thuyết minh nhiều về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần này đến thì khác, được thuyết minh viên tiếp đón chu đáo, giới thiệu các trận đánh, các di tích lịch sự cụ thể, rõ ràng như sống lại không khí hào hùng năm xưa. Như thế tôi và cả đoàn rất hài lòng. Chúng tôi chắc chắn sẽ còn quay trở lại tham quan, du lịch Điện Biên nhiều lần nữa” - Ông Nguyễn Tất Thiện, du khách tới từ tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Không thể tự bằng lòng, nhất là khi lượng khách đã tăng trở lại thì việc cần làm lúc này là nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hiện nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử thuộc quầnthể Chiến trường Điện Biên Phủ. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, Ban đặc biệt chú trọng đến công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đến nay, đơn vị có trên 50 cán bộ, công chức, người lao động trong đó chủ yếu là đội ngũ hướng dẫn viên, bảo vệ, nhân viên vệ sinh. Qua đánh giá, đội ngũ cán bộ của đơn vị cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao và không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: Hàng năm, Ban giao cho Phòng Phát huy giá trị di tích xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, tập huấn và nâng cao chất lượng thuyết minh. Mỗi năm thường tổ chức thành 3 đợt, mỗi đợt là một lần đánh giá, xếp theo thang điểm. Nếu viên chức nào chưa đạt được yêu cầu tiếp tục trau dồi, rèn luyện kỹ năng; viên chức nào đạt thì tiếp tục bồi dưỡng thêm để nâng cao hơn nữa chất lượng thuyết minh. Như mới đây, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên mới khánh thành. Dù chưa được giao quản lý nhưng lực lượng thuyết minh viên của Ban đã học các bài thuyết minh, được ngành kiểm tra đầy đủ, có thể đón tiếp được du khách… Thời gian qua, lượng khách tăng trở lại, có thời điểm như dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng thuyết minh viên không đủ để phục vụ du khách. Ban cũng đã có giải pháp kết nối với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho các em đang theo học ngành du lịch có thể tới tình nguyện, tham gia công tác phục vụ du khách tại các điểm di tích. Về lâu dài, Ban cũng đang làm các thủ tục cần thiết để xin bổ sung lực lượng thuyết minh viên. Cùng với đó, Ban đang xây dựng kế hoạch triển khai phần mềm thuyết minh tự động, phục vụ cho các đoàn khách nhỏ hoặc cá nhân; còn lực lượng thuyết minh viên sẽ tập trung cho các đoàn khách đông người.

Không chỉ chú trọng về nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng cũng được Ban Quản lý di tích tỉnh chú trọng để phục vụ du khách tốt hơn. “Ban chủ động có văn bản kết nối với Trung đoàn 82 (Quân khu 2) để có lực lượng cùng phối hợp chỉnh trang, dọn dẹp các điểm di tích vào thứ 7 hoặc chủ nhật mỗi tháng, đảm bảo cảnh quan môi trường để phục vụ người dân và du khách. Không chỉ vậy, thời điểm mùa mưa khó khăn, lực lượng viên chức mỏng, Ban phải tiến hành rà soát theo từng trận mưa, thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, nhất là các điểm di tích đang phát huy. Tuy vậy vẫn không thể tránh được các sự cố. Như tại di tích Hầm Đờ cát khi có mưa lớn vẫn bị ngập. Ban cũng đã họp bàn đưa ra nhiều phương án, tham mưu cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm cách khắc phục triệt để sự cố này. Hiện nay đã có phương án cụ thể, dự kiến sẽ triển khai sửa chữa trong tháng 9 tới đây…” - Ông Nguyễn Anh Đạo cho biết thêm.

Trong bối cảnh du lịch có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu về nguồn nhân lực và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang là vấn đề cấp thiết, có yếu tố quyết định quan trọng tới chất lượng phục vụ du khách. Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà nói chung, Ban Quản lý di tích nói riêng cũng đã đẩy mạnh phối hợp, liên kết tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Ngay trong năm 2022 này, ngành dự kiến tổ chức 6 lớp tập huấn, cho khoảng 300 lượt người về các nội dung, như: Quản lý cơ sở lưu trú du lịch, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong lĩnh vực du lịch; cập nhật kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch… Qua đó, từng bước xây dựng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top