Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ

Điểm đến không thể thiếu trong hành trình tri ân

08:13 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 7133 In bài viết

ĐBP - Sau 2 tháng khánh thành, đưa vào hoạt động, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Điện Biên. Hành trình tri ân, về mảnh đất lịch sử, thăm lại chiến trường xưa thêm ý nghĩa khi khách phương xa đặt chân đến “Ngôi Đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ ký ức chiến tranh vẫn còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh, từ những vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ bùn, máu và hoa”.

Người dân và du khách tham quan Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Chiều cuối tuần, hòa vào dòng người, chúng tôi bước từng bậc cao lên đồi F thăm và dâng hương Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Trong dòng người từ khắp mọi nơi cùng về đây thể hiện lòng thành kính, tri ân, có một đoàn người cao tuổi mang theo hương và hoa, vừa đi vừa trò chuyện nhắc lại từng ngày tháng lịch sử gắn liền với các diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, những hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ tại chiến trường khốc liệt. Trưởng đoàn mặc bộ quân phục cũ, tác phong nhà binh dẫn mọi người lên hết bậc cao, tiến vào gian đền thờ chính, kính cẩn dâng hương. Sau đó, các thành viên trong đoàn tản ra tham quan từng khu vực ngôi đền, chỉ còn lại trưởng đoàn - ông Phạm Văn Trung - cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, lặng lẽ một mình đọc từng dòng chữ được khắc trên tường công trình.

Ông Trung chia sẻ: “Là một người lính từng tham gia chiến trận, tôi hiểu rõ sự gian khổ, khốc liệt của chiến trường, đau đớn khi đồng đội đổ máu, ngã xuống, và hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Vì thế khi lên với Đền thờ, tôi rất xúc động khi giờ đây đã có một công trình xứng đáng với công lao to lớn, sự hi sinh cao cả của những người lính thế hệ đi trước, hi sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng đánh đuổi thực dân Pháp. Mỗi chi tiết của công trình Đền thờ đều được gửi gắm ý nghĩa rất đẹp. Trước khi lên Đền thờ, đoàn tôi đã đi Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng, Đồi A1. Tôi đã rất nhiều lần lên với Điện Biên, lần này quay lại được đến Đền thờ cảm thấy thỏa lòng mong ước, tri ân”.

Được biết, ông Trung là người con Hải Dương, dẫn đoàn hội người cao tuổi khu dân cư số 8, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương (19 người) tham quan chiến trường xưa Điện Biên Phủ. Ông Trung cho biết thêm: “Tôi thường xuyên được hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi trên địa bàn nhờ dẫn đoàn lên với Điện Biên. Trong năm 2022, tôi đã dẫn 5 đoàn đến đây, mỗi đoàn thường 20 - 25 người. Lần này lên, công trình Đền thờ mới khánh thành, thêm điểm đến mới, ý nghĩa để giới thiệu cho mọi người trong đoàn”.

Thắp hương tri ân tại Đền thờ, dù là thế hệ đi sau, chị Trần Thị Minh Hương, đến từ Thái Bình cũng có cảm xúc tương tự. Chị và các đồng nghiệp cùng đơn vị đều lần đầu tiên lên với Điện Biên. Vẫn ngưng đọng, rưng rưng cảm xúc sau khi tham quan các di tích, nghe thuyết minh viên kể chuyện các chiến tích, chị Hương cùng đoàn di chuyển từ Đồi A1 sang Đồi F -  Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Vừa thong thả bước từng bậc, chị vừa vãn cảnh Đền, ngắm nhìn, chụp ảnh kỷ niệm từng chi tiết đặc biệt, ý nghĩa của công trình và gửi lòng thành kính tri ân qua nén hương thơm. Chị Hương chia sẻ: “Dù được học lịch sử trong trường lớp, sách vở nhưng khi đến tham quan các di tích chiến trường xưa, tôi mới thực sự hiểu rõ sự khó khăn, khốc liệt của chiến tranh và anh dũng quên mình của cha ông. Sau khi tham quan các di tích trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ rồi chúng tôi mới đến đây, cảm xúc nghẹn nghào khi nghe các câu chuyện về sự tàn ác của thực dân, sự khốc liệt giành giật ngày đêm tại các cứ điểm, sự hy sinh quên mình của các anh hùng liệt sĩ vẫn còn nguyên khi đặt chân đến ngôi đền linh thiêng này. Vì thế tôi càng thêm tự hào về những con người Việt Nam tuyệt vời, bằng tinh thần yêu nước, bất khuất đã chiến thắng quân đội Pháp được trang bị hiện đại, trong khi vũ khí của chúng ta thô sơ, nhân dân đang đói nghèo. Bởi vậy, khi đến đây, tôi vô cùng trân trọng và cảm động khi Điện Biên xây dựng được 1 Đền thờ to, đẹp và ý nghĩa như này, ghi nhận công lao của các anh hùng liệt sĩ. Mỗi chi tiết công trình, đặc biệt là các hàng chữ khắc ghi công ơn được trạm trên tường, đều chạm đến cảm xúc của tôi”.

Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ cơ bản hoàn thành và được khánh thành vào ngày 18/5. Từ đó đến nay, ngày nào Đền thờ cũng đón tiếp hành trăm lượt khách tham quan, dâng hương, đặc biệt đông hơn hẳn vào dịp cuối tuần. Hầu hết du khách khi đến với Điện Biên đều ghé thăm, thắp hương Đền thờ. Hơn nữa, khách tham quan có thể đi bộ từ Đồi A1 sang Đền thờ, làm hành trình tham quan thuận tiện hơn. Dù công trình chưa hoàn thiện, bàn giao nhưng để phục vụ nhu cầu du khách, UBND tỉnh giao nhiệm vụ tạm thời quản lý Đền thờ cho Ban Quản lý di tích tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Đảm nhận nhiệm vụ này, Ban đã xây dựng phương án tiếp quản quản lý tạm thời để tham mưu Sở trình UBND tỉnh. Ban chủ động duy trì lực lượng thuyết minh viên và tổ quản lý bảo vệ, thực hiện nghi lễ, hỗ trợ các đoàn đến tham quan, dâng hương tất cả các ngày trong tuần. Từ trước khi Đền thờ mở cửa đón du khách, chúng tôi cũng đã xây dựng bài thuyết minh, đội ngũ thuyết minh viên, kiểm tra các thuyết minh viên theo lộ trình tham quan Đền thờ. Đến hiện tại, dù chưa được chính thức giao quản lý nhưng Ban vẫn duy trì tốt các hoạt động tại Đền thờ, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, tri ân của du khách trong và ngoài tỉnh”.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top