Mường Nhé phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

06:44 - Chủ Nhật, 17/07/2022 Lượt xem: 8644 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; cộng đồng đa dân tộc trên địa bàn có nhiều lễ hội, nghề thủ công, ẩm thực, truyền thống dân tộc đặc sắc… Đây là những tiềm năng để huyện phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nghề làm trang phục của người Hà Nhì tại xã Chung Chải được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Tuy có nhiều lợi thế song hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Việc phát triển du lịch gắn với khai thác tài nguyên văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số sản phẩm du lịch văn hóa đã hình thành và đưa vào khai thác song quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Để khai thác triệt để lợi thế sẵn có, phát huy nội lực và thu hút sự tham gia của người dân vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, tháng 3/2022 UBND huyện Mường Nhé đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí hơn 265 tỷ đồng. Nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thời gian qua Mường Nhé đã đẩy mạnh việc bảo tồn, duy trì, khai thác các di sản văn hoá để phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có sức cạnh tranh để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về nội dung, phương pháp cũng như nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách tuyên truyền, vận động về phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa.

Từ năm 2016 - 2021 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được công nhận 2 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 nghề truyền thống là nghề làm trang phục của người Hà Nhì (tại các xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu). Ngoài ra, huyện thực hiện khảo sát các điểm có tiềm năng du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh nâng tổng số điểm du lịch, văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên toàn huyện là 22 điểm. Lượng khách du lịch đến tham quan tăng nhanh theo các năm, tập trung tại các điểm: Chợ phiên lối mở A Pa Chải, mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt - Lào - Trung Quốc… Đến nay, Mường Nhé có 15 cơ sở lưu trú; trong đó 8 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch và một số nhà trọ có phòng cho thuê; công suất sử dụng phòng tại các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch đạt 60%. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch từ 0,5 - 1 ngày; mức chi tiêu của du khách 0,6 triệu đồng/ngày, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 lượt khách tham quan, du lịch.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Nhé phấn đấu xây dựng và thực hiện Dự án Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu); quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại điểm “săn mây” xã Nậm Kè; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (đường, điện, sân khấu và các công trình phụ trợ...) tại điểm bản Tá Miếu (xã Sín thầu) để phục vụ tổ chức tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì. Đến năm 2025, lượt khách tham quan du lịch đến với huyện đạt trên 20.000 lượt; tổng thu nhập từ dịch vụ du lịch đạt 20 tỷ đồng; xây dựng 5 mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; có ít nhất 2 hướng dẫn viên du lịch tại các điểm, bản du lịch cộng đồng là người bản địa. Hiện nay, Mường Nhé tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top