Giữ vững mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế

09:49 - Thứ Năm, 21/07/2022 Lượt xem: 11235 In bài viết

Sau hơn ba tháng mở cửa trở lại (từ ngày 15/3 đến nay), du lịch Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Nhưng để đạt được những kỳ vọng đề ra, đặc biệt về tăng trưởng lượng khách quốc tế, đòi hỏi cần có thêm nhiều giải pháp đột phá để thu hút khách du lịch nước ngoài.

Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh HÀ MY)

Quyết tâm phục hồi du lịch sau hơn hai năm tê liệt vì dịch Covid-19, Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm đề ra chỉ tiêu, các chuyên gia nhận định đây là con số khá tham vọng, nhất là khi chuỗi cung ứng du lịch đã bị đứt gãy suốt thời gian dài. Dù vậy, mới hết tháng 6, ngành du lịch nước nhà đã gây bất ngờ khi vượt kế hoạch năm về tăng trưởng khách nội địa với tổng số khách trong nước sáu tháng đầu năm đạt 60,8 triệu lượt, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Ðiều này minh chứng nhu cầu du lịch hậu Covid của người dân trong nước đang bùng nổ, kéo theo doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ðây là tín hiệu vui cho thấy khả năng phục hồi nhanh, mạnh của du lịch Việt Nam; đồng thời cũng khẳng định triển vọng phát triển mạnh mẽ của thị trường du lịch nội địa.

Song, so với sự sôi động của thị trường trong nước thì du lịch quốc tế, đặc biệt ở mảng inbound (đón khách quốc tế đến) trầm lắng hơn nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, cao gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch), và còn cách rất xa so với mục tiêu đạt 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do một số thị trường lớn, truyền thống của du lịch Việt Nam vẫn đang áp dụng những hạn chế trong di chuyển, nhập cảnh để phòng, chống dịch. Trong đó, Trung Quốc-thị trường luôn dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid”, chưa mở cửa du lịch quốc tế; Nhật Bản và Ðài Loan (Trung Quốc) hiện vẫn áp dụng những chính sách cách ly khi du khách quay về từ một số quốc gia nên chưa kích thích người dân đi du lịch nước ngoài; Hàn Quốc cũng chỉ vừa thật sự mở cửa du lịch quốc tế cho người dân trong nước từ đầu tháng 4/2022. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga-Ukraine khiến Việt Nam mất đi lượng khách lớn đến từ hai quốc gia này, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đối với việc ra nước ngoài của khách du lịch châu Âu. Thêm nữa, những lo ngại của du khách về khả năng có thể xuất hiện những vấn đề như nhiễm Covid khi du lịch nước ngoài, điều kiện chữa trị, lưu trú, cách ly, phát sinh chi phí… cũng dẫn đến những e dè khi quyết định đi du lịch quốc tế.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh DUY HẬU)

Tuy nhiên, đây là khó khăn chung mà các nước trong khu vực đều phải đối mặt. Vì thế, cơ hội hút khách sẽ thuộc về những quốc gia nào thật sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh. Trên đường đua quốc tế, du lịch Việt Nam vừa ghi điểm khi chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52 trong số 122 quốc gia, vùng lãnh thổ, nằm trong số ba quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Dữ liệu từ Google cũng chỉ ra lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang tăng cao qua từng tháng, đến đầu tháng 6/2022 đã tăng gấp bốn lần so với thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế. Ðây là những yếu tố thuận lợi mà ngành du lịch cần tận dụng để tăng cường các giải pháp thu hút, phục hồi khách quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; đồng thời chuyển hướng khai thác những thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Ðộ, Mỹ, Trung Ðông. Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, hãng hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam”, tập trung vào các hoạt động chính: Tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Tây Âu, Australia và New Zealand; tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch JATA ở Nhật Bản (tháng 9) và Hội chợ WTM tại Anh (tháng 11); phối hợp các hãng hàng không triển khai gói kích cầu áp dụng cho các đường bay để thu hút nhanh khách vào Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường...

Giải pháp quan trọng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là cần có chiến lược thu hút những du khách đặc biệt, có tầm ảnh hưởng lớn để nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Việt Nam. Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến du lịch Ðà Nẵng, sau khi chính thức mở lại đường bay trực tiếp Incheon-Ðà Nẵng, thành phố đã đón năm đoàn làm phim, kênh truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc tới quay phim, ghi hình với sự tham gia của nhiều ngôi sao thần tượng xứ sở kim chi. Những hình ảnh gắn liền quá trình làm việc, tham quan, trải nghiệm của các sao Hàn tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, nhiều người mong muốn được ghé thăm đất nước Việt Nam… Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp du lịch mong muốn nhanh chóng được gỡ “nút thắt” về chính sách visa để khơi thông dòng chảy khách quốc tế.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top