ĐBP - Bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng thuộc giai đoạn 2 của công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư lên đến 45 tỉ đồng. Sau hơn 1 năm ra mắt và đưa vào phục vụ khách tham quan, bức tranh đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Điện Biên. Ngoài tạo ấn tượng đặc biệt với du khách; bức tranh còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Ấn tượng và choáng ngợp là hầu hết cảm nhận chung của du khách khi được tận mắt ngắm bức tranh Panorama, một bức tranh toàn cảnh khổng lồ tái hiện sinh động Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh gồm 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hoành tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Chiến thắng Điện Biên Phủ” tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng ngôn ngữ hội họa trên không gian rộng lớn. Bức tranh có diện tích trên 3.200m2 với hàng nghìn nhân vật, là kết quả lao động sáng tạo của gần 200 họa sĩ cùng các kiến trúc sư, nhạc sĩ, chuyên gia…
Để người xem có thể cảm nhận đầy đủ nhất về bức tranh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tổ chức tiếp đón mỗi lượt khách vào tham quan bức tranh tối đa khoảng 100 người (dịp lễ, tết có thể linh động tăng lên 200 người) và tối thiểu là 30 người trong thời gian khoảng 30 phút/lượt. Bước vào trong không gian bức tranh, đầu tiên người xem sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về bức tranh trong khoảng 7 phút. Tiếp đến, dưới ánh đèn led hắt sáng, người xem sẽ được quan sát, dõi theo bức tranh với bố cục 4 trường đoạn để từ đó có được cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động qua các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến chiến dịch.
Đặc biệt hơn, khi xem tranh, du khách còn được đắm mình trong âm hưởng dân ca Tây Bắc và giai điệu của các ca khúc nổi tiếng ra đời trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Du khách tìm hiểu đến trường đoạn nào thì đoạn đó sẽ sáng lên với các âm thanh của tiếng súng, máy bay, niềm vui chiến thắng… Hình ảnh, âm nhạc hòa quyện với nhau mang đến nhiều cảm xúc, đưa du khách về ký ức vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Đi một vòng ngắm từng chi tiết khắc họa diễn biến của chiến dịch, bác Đinh Văn Hùng, du khách đến từ Thanh Hóa không giấu niềm xúc động xen lẫn tự hào. Bác Hùng chia sẻ: Việc cảm nhận bức tranh thông qua tiếng nhạc gắn với từng trường đoạn đã tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn thấy được những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ gần 70 năm về trước, khiến cho thế hệ hôm nay càng thêm trân quý những giá trị lịch sử, cùng những hy sinh mất mát lớn lao từ thế hệ cha anh.
Để phát triển du lịch từ khai thác hiệu quả bức tranh Panorama, theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngoài tổ chức phục vụ khách tham quan chu đáo nhất thì công tác tuyên truyền, quảng bá về bức tranh cũng được Bảo tàng chú trọng. Theo đó, không phải chờ đến khi ra mắt, mọi thông tin tuyên truyền, quảng bá về bức tranh mới được triển khai, mà trước đó, trong quá trình hoàn thiện bức tranh, Bảo tàng đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức cho các đoàn khách tới tham quan, đánh giá và góp ý. Từ khi bức tranh được ra mắt và đưa vào phục vụ tham quan, Bảo tàng đã phối hợp với các đơn vị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền lưu động về bức tranh Panorama cũng như các điểm di tích lịch sử của tỉnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dự kiến tháng 10 tới đây, Bảo tàng tiếp tục phối hợp, tổ chức tuyên truyền lưu động tại tỉnh Cao Bằng. Qua đó, góp phần đưa hình ảnh về bức tranh Panorama và thế mạnh du lịch của Điện Biên đến nhiều hơn với du khách trong nước.
Bức tranh Panorama là công trình đặc biệt nên để quản lý, vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả công trình này đòi hỏi phải chi phí rất lớn từ nhân lực, thiết bị, tiêu tốn điện năng và phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng. Cụ thể, để vận hành bức tranh hiện có 123 đèn chiếu sáng công suất 200W; 106 đèn rọi có tổng công suất 4,368kw/h và hệ thống điều hoà gồm 13 chiếc tổng công suất 213,2 kw/h... Ngoài ra, mỗi năm phải thực hiện bảo dưỡng công trình đặc biệt này 2 lần, gồm: Vệ sinh tranh sơn dầu, phần đắp nổi và thay thế sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điều hòa, âm thanh, ánh sáng...
Xuất phát từ thực tế đó, từ ngày 1/8/2022, phí tham quan tại Bảo tàng đã được điều chỉnh tăng lên 100.000 đồng/người/lượt. Trao đổi với phóng viên về nội dung này, bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: Dù bức tranh Panorama là một trong những hạng mục của Bảo tàng, nhưng kể từ khi đơn vị nhận bàn giao tạm thời từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 7/2022, do bức tranh trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nên giá vé tham quan vào Bảo tàng vẫn được giữ nguyên 25 nghìn đồng/người/lượt. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế trong công tác quản lý và quy mô của công trình qua giai đoạn vận hành thử nghiệm đã phát sinh nhiều chi phí rất lớn. Vì vậy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình UBND tỉnh về việc điều chỉnh giá vé tham quan. Đến ngày 8/7/2022, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành nghị quyết và cho phép điều chỉnh giá vé tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ 25 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng.
Tuy nhiên, Bảo tàng vẫn thực hiện miễn giảm 50% giá vé với các trường hợp là người cao tuổi, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa... Đặc biệt miễn phí vé tham quan cho các đối tượng là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên tại các trường học, các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tổ chức đi nghiên cứu thực tế, người dưới 18 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng được miễn phí trong các ngày lễ và ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5. Theo tổng hợp của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ ngày 1/8 đến nay, trung bình mỗi ngày, Bảo tàng đón tiếp khoảng 300 lượt khách, trong đó, chỉ khoảng 1/3 số khách thuộc đối tượng thu phí theo quy định.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết thêm: Hiện chúng tôi đã xây dựng phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt để có thể quản lý và phát huy giá trị của tác phẩm này một cách tốt nhất. Giờ đây, trên hành trình khám phá du lịch Điện Biên, bên cạnh những điểm đến lịch sử khác như Mường Phăng, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, đồi A1... việc khai thác hiệu quả bức tranh Panorama không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn là điểm nhấn mới cho du lịch lịch sử Điện Biên, nguồn tư liệu quý góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.