Định hình sản phẩm du lịch mới

15:46 - Thứ Sáu, 02/09/2022 Lượt xem: 9563 In bài viết

Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch toàn thế giới có sự thay đổi rõ nét về xu hướng cũng như phương thức vận hành. Để bắt kịp với những thay đổi này, nhanh chóng phục hồi “ngành công nghiệp không khói”, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã phải tư duy lại cách làm du lịch, định hình sản phẩm du lịch mới để đáp ứng thị trường.

Hoạt động Team building của du lịch MICE đang được nhiều đơn vị đẩy mạnh khai thác.

Cùng nhau... tư duy lại

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, Ngày Du lịch thế giới năm 2022 (27-9) sẽ mang chủ đề “Tư duy lại về du lịch” (Rethinking Tourism). Tổ chức Du lịch thế giới kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, người lao động, khách du lịch cùng tư duy lại những việc đã phải đối diện và phương thức thay đổi để đưa du lịch phát triển trở lại, trở thành trung tâm của nền kinh tế.

Rõ ràng, việc tư duy lại cách làm du lịch, trong đó có cả việc xây dựng sản phẩm du lịch là vấn đề mà các quốc gia phải lưu tâm để có thể nhanh chóng phục hồi. Tại Việt Nam, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã đặt vấn đề xây dựng, kiến thiết sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu du lịch thế giới. Ngay tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định, bên cạnh những dòng sản phẩm chính trước đây, chiến lược lâu dài của du lịch Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 dòng sản phẩm mới, đó là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc hệ thống lại các sản phẩm du lịch, từ đó phát triển thêm sản phẩm mới là rất cần thiết. Trong đó, du lịch Việt Nam cần phát huy các thế mạnh, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, nhưng vẫn cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch.

Trong những năm gần đây, nhiều dòng sản phẩm mới đang được đẩy mạnh phát triển, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện); du lịch thể thao, đặc biệt phát triển là du lịch golf, du lịch mạo hiểm (leo núi, trekking - đi bộ đường dài), các giải chạy việt dã kết hợp du lịch. Ngoài ra, du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… đang được nhiều địa phương tập trung khai thác.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, diện mạo du lịch Việt Nam đã thay đổi đáng kể sau dịch Covid-19. Nhiều cách làm du lịch cũ không còn hiệu quả, các địa phương, đơn vị đã phải thay đổi cách làm du lịch, hình thành thêm những dòng sản phẩm trọng yếu. Một số sản phẩm được đầu tư trọng điểm đã thu hút dòng khách cao cấp, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Du lịch golf đang là thế mạnh của du lịch Việt Nam để thu hút dòng khách cao cấp. Ảnh: Hoàng Quyên

Chú trọng dòng sản phẩm chuyên biệt

Sau gần 6 tháng mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, du lịch Việt Nam đã tạo được đà tăng trưởng rõ nét, khi thị trường nội địa sớm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Thách thức trước mắt của toàn ngành hiện nay, đó là làm sao thu hút được lượng khách quốc tế trở lại và đón được 5 triệu lượt khách trong năm 2022.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, một số dòng sản phẩm du lịch trước kia ít được quan tâm, nay trở thành mũi nhọn của các đơn vị, trong đó có du lịch MICE, du lịch golf. Song, đây là những dòng sản phẩm hướng đến đối tượng khách đoàn đông, dòng khách cao cấp là các thương nhân, tập đoàn lớn…, nên việc đầu tư hạ tầng cho các sản phẩm này cần có chiến lược bài bản. “Để phát triển du lịch MICE, du lịch golf, các địa phương cần có hạ tầng cho du lịch, như việc quy hoạch phát triển các sân golf, những trung tâm tổ chức sự kiện lớn đủ tiêu chuẩn dịch vụ đón khách hạng sang. Ngoài ra, cần phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách trải nghiệm”, ông Nguyễn Công Hoan cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Vũ Duy Thành cho biết, nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là “điểm đến golf hàng đầu châu Á”, nhưng việc phát triển du lịch golf còn nhiều nút thắt, nên vẫn thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, như: Malaysia, Thái Lan… Bên cạnh đó, du lịch golf còn mới mẻ, nên hạn chế về hướng dẫn viên, những người thiết kế sản phẩm, thiếu công cụ liên kết giữa khách sạn, resort, các hãng vận tải… Ở những dòng sản phẩm chuyên biệt khác, như du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi), dù đã được các địa phương chú trọng, nhưng mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa hình thành dòng sản phẩm có tính thương hiệu riêng.

Để phát huy hết tiềm năng những dòng sản phẩm du lịch trọng điểm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho rằng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch tổng thể để phát triển phù hợp với lợi thế, tiềm năng và tiềm lực của mình, tránh đầu tư dàn trải, bắt chước nhau. Ngoài ra, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, các địa phương cần liên kết chặt chẽ, tạo cơ chế hợp tác cởi mở với các đơn vị lữ hành; tăng cường quảng bá để đưa khách đến, nhất là khách quốc tế.

Tại Hà Nội, để thu hút du khách nhiều hơn nữa, nhất là khách quốc tế, Sở Du lịch khuyến khích các địa phương, đơn vị xây dựng nhiều sản phẩm mới, độc đáo, phù hợp với thế mạnh của địa phương. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ, Sở đang làm việc với các địa phương để hình thành những dòng sản phẩm chuyên biệt, như: Du lịch mạo hiểm ở Ba Vì, Chương Mỹ hướng tới du khách trẻ; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; du lịch mua sắm ở Đông Anh; du lịch văn hóa đêm, du lịch ẩm thực ở khu phố cổ…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top