ĐBP - Sau gần 2 tháng điều chỉnh giá vé tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ 25 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng vẫn còn không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Dẫu vậy, theo thông tin từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lượng khách du lịch đến tham quan vẫn duy trì khá ổn định, cho thấy sức hút không nhỏ của bức tranh panorama với du khách trong và ngoài tỉnh...
Ngày 8/7/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của HĐND tỉnh Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá vé tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được điều chỉnh từ 25 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng. Ngoài ra, Bảo tàng vẫn thực hiện miễn giảm 50% giá vé với các trường hợp là người cao tuổi, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa... Đặc biệt miễn phí vé tham quan cho các đối tượng là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên tại các trường học, chiến sĩ lực lượng vũ trang tổ chức đi nghiên cứu thực tế, người dưới 18 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng được miễn phí trong các ngày lễ và ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5.
Xung quanh việc điều chỉnh giá vé này, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Với một số du khách khi lên với Điện Biên, được chứng kiến tận mắt sự hoành tráng của bức tranh đã không khỏi xúc động. Nhất là khi lại được hòa mình vào không gian nghệ thuật với tất cả các giác quan, từ nhìn, nghe và cảm nhận. Do đó, giá vé không phải là vấn đề quyết định chính khi họ tới thăm bức tranh này. Anh Nguyễn Bình Minh, du khách tới từ Hà Nội đã nghe, xem nhiều thông tin về bức tranh lớn nhất Đông Nam Á. Bởi vậy khi có cơ hội trở lại Điện Biên dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, anh đã sắp xếp thời gian để đến chiêm ngưỡng bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Anh Minh chia sẻ: “Đây thực sự là một kiệt tác nghệ thuật. Tái hiện sống động lại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa với 4 trường đoạn, bức tranh đang góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý chí quật cường của thế hệ cha ông khi chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm. Với ý nghĩa lớn lao đó, thì việc giá vé vào tham quan ở mức 100 nghìn đồng/lượt là phù hợp. Đoàn chúng tôi đi tham quan vào ngày 3/9, không phải là ngày miễn phí nhưng lượng khách vẫn khá đông. Chúng tôi cũng phải xếp hàng khoảng gần 10 phút mới tới lượt lên tham quan bức tranh ý nghĩa này...”.
Bên cạnh sự đồng tình, có không ít du khách nội tỉnh cho rằng giá vé tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ điều chỉnh tăng gấp 4 lần là chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân Điện Biên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người có ý kiến cho rằng, ngay cả với những người dân có thu nhập trung bình, với mức giá đó nếu tổ chức đi cả gia đình tham quan thì tổng chi phí phải bỏ ra là lớn so với mức chi tiêu của họ. Bởi vậy, xung quanh việc điều chỉnh tăng giá vé tham quan Bảo tàng, nhiều người có ý kiến nên có sự phân luồng giá vé giữa du khách ngoại tỉnh và người địa phương, như thế vừa đáp ứng nhu cầu của người dân và cũng sẽ góp phần kích cầu du lịch nội tỉnh...
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chia sẻ: “Bức tranh panorama là công trình đặc biệt nên để quản lý, vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả công trình này đòi hỏi phải chi phí lớn từ nhân lực, thiết bị, tiêu tốn điện năng và phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng. Như hiện nay, mỗi năm phải bảo quản 2 lần, chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới tiền điện, lượng khách ngày một đông nên tháng sau cao hơn tháng trước. Rồi còn các trang thiết bị hỏng hóc, như hệ thống bóng điện trên bức tranh thường xuyên bị cháy phải thay thế. Với giá vé 100 nghìn đồng sẽ giảm được chi phí ngân sách Nhà nước cấp cho đơn vị, như: Tiền điện, tiền bảo dưỡng, bảo quản, chi phí trang thiết bị... hàng năm. Bởi vậy khi xây dựng phương án điều chỉnh giá vé, lấy ý kiến đều được các sở ngành nhất trí và được HĐND tỉnh thông qua”.
“Sau gần 2 tháng điều chỉnh giá, khảo sát một số du khách đều đồng tình với mức thu đó. Họ cho rằng đây không chỉ là điểm du lịch mà còn là bức tranh có ý nghĩa lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ ngày nay. Lượng khách ngoại tỉnh, nhất là khách từ TP. Hồ Chí Minh vẫn tới đều đặn. Một phần cũng bởi trước đó, khi chuẩn bị điều chỉnh giá vé, Bảo tàng làm công văn gửi tới Hiệp hội Du lịch các tỉnh, các công ty lữ hành, du lịch... để họ chuẩn bị. Đại đa số đều cho rằng giá vé đó là phù hợp, không ảnh hưởng đến các tour của họ” - bà Nga cho biết.
Thực tế cho thấy, khi giá vé điều chỉnh tăng, lượng khách ngoại tỉnh vẫn duy trì khá ổn định nhưng lượng khách nội tỉnh đến tham quan bức tranh đã giảm so với trước. Hầu hết người dân địa phương lại chờ tới ngày nghỉ lễ theo quy định để được miễn phí tham quan. Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: “Trước thời điểm nâng giá, dịp cuối tuần đón khoảng 1.000 lượt khách, trong đó phần đông là người địa phương. Nhưng khi nâng giá vé lên thì người dân vẫn tới nhưng không nhiều như trước mà lại đợi thời điểm miễn phí dịp nghỉ lễ để tham quan. Như trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, Bảo tàng miễn phí 2 ngày 1 - 2/9 nên đã đón tiếp lượng khách kỷ lục. Chỉ riêng ngày 2/9 đã đón hơn 23.000 lượt khách. Nhiều người phải xếp hàng tới mấy giờ nhưng khi được lên xem tranh đều cảm thấy hài lòng”.
“Giá điều chỉnh tăng nên Bảo tàng cũng có sự linh hoạt khi thu phí. Ví dụ như gia đình có nhiều thế hệ cùng vào tham quan, những người trên 60 tuổi thì được giảm 50%, dưới 18 tuổi miễn phí 100%. Như vậy, nếu như một gia đình có 5 người vào tham quan thì cũng chỉ phải mua từ 2 - 3 vé. Không chỉ vậy, nhiều người dân thuộc nhóm được hưởng ưu đãi, thuộc các xã đặc biệt khó khăn nếu xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân cũng sẽ được miễn phí. Thực tế là thời gian qua, khi thu phí Bảo tàng đều có sự điều chỉnh cho phù hợp. Và có không ít khách nội tỉnh, thuộc diện được miễn phí tham quan nhưng vẫn mua vé đóng góp cho Bảo tàng để bảo dưỡng bức tranh...” - bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết thêm.
Theo thông tin từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lượng khách du lịch tới tham quan đã tăng 200% so với năm trước. Nếu như theo kế hoạch giao, một năm Bảo tàng đón 130.000 lượt khách, thu phí 1,5 tỷ đồng thì tới thời điểm hiện tại đã đạt gần gấp đôi. Tính đến ngày 8/9, lượng khách đến thăm Bảo tàng đạt 208.750 lượt; trong đó khách nước ngoài 1.308 lượt... Riêng trong tháng 8 - thời điểm bắt đầu điều chỉnh giá vé, Bảo tàng đón 17.595 lượt khách. Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua cũng đón gần 28.500 lượt khách. Những con số đó cho thấy, việc điều chỉnh giá vé tuy còn nhiều ý kiến xung quanh nhưng cũng không hề làm giảm sức hút của bức tranh panorama lớn nhất Đông Nam Á với du khách gần xa.