Góc nhìn - Tiêu điểm

Phát triển du lịch nông thôn

06:42 - Chủ Nhật, 18/09/2022 Lượt xem: 9192 In bài viết

ĐBP - Một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là: Đến năm 2025, cả nước sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái địa phương.

Nông thôn là khu vực có cuộc sống thanh bình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, khác biệt với sự sôi động, vội vã nơi đô thị. Nông thôn còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc.

Hiện nay, trên thế giới du lịch nông thôn ngày càng phát triển và tăng trưởng qua từng năm. Nước ta cũng đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển bền vững, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó tạo việc làm cho nông dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thế nên mục tiêu “mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái địa phương” là phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện nay.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở tiềm năng của từng địa phương?

Điện Biên có nhiều tiềm năng về tài nguyên phát triển du lịch nông thôn. Đó là vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên rừng, núi, sông suối, hang động, đồng lúa... hùng vĩ, tươi đẹp. Đặc biệt, 19 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn đã tạo nên nền văn hóa đa dân tộc. Mỗi dân tộc có nét văn hoá vật thể và phi vật thể đặc trưng; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực... Cùng với đó là lòng mến khách, nhiệt thành của bà con các dân tộc Điện Biên.

Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên lớn song du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều bất cập. Mới hình thành với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có tính hệ thống và sự kết nối. Các sản phẩm, dịch vụ còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, thời gian du khách lưu trú ngắn; lao động tham gia vào du lịch nông thôn chủ yếu mang tính mùa vụ.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia thì hướng đi phù hợp cho phát triển du lịch nông thôn là gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Như thế vừa phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, vừa xây dựng giá trị du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Được biết, nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, các ngành chức năng tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp xây dựng các chương trình du lịch gắn với lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đầu tư xây dựng cảnh quan du lịch cộng đồng theo hướng phát triển du lịch xanh và bền vững.

Để phát triển du lịch nông thôn, điều cốt yếu trước hết là phải thay đổi nhận thức. Từ các cấp, ngành liên quan cho đến người dân, chỉ khi xác định phát triển du lịch nông thôn là giải pháp tạo việc làm, thu nhập; bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới thì mới mang lại hiệu quả.

Cùng với đó là hoàn thiện chính sách về phát triển du lịch nông thôn như: Khuyến khích, thu hút đầu tư; sử dụng quỹ đất phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tính kết nối giữa các điểm; hỗ trợ nguồn lực, đào tạo, thông tin, tư vấn... Đặc biệt quan tâm đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động tham gia du lịch nông thôn. Trong đó, chú trọng về kỹ năng phục vụ du lịch như: Cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ khách...

Mỗi vùng nông thôn có lợi thế riêng, với Điện Biên đó là những giá trị nổi bật, khác biệt về vị trí địa lý, địa hình và giá trị văn hóa các dân tộc bản địa. Du lịch nông thôn phải phát huy được sự khác biệt đó để phát triển sản phẩm phù hợp, đặc sắc!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top