Đánh thức “mỏ vàng” du lịch (bài 3)

09:52 - Thứ Bảy, 15/10/2022 Lượt xem: 10124 In bài viết

Bài 3: Niềm hy vọng “thăng hoa”

ĐBP - Triển khai nghị quyết hợp lòng dân, huyện Tủa Chùa đã huy động tối đa nội lực tập trung phát triển du lịch. Sự khởi sắc của du lịch đem lại niềm hy vọng, sự thịnh vượng và sinh kế cho người dân. Qua đó, khẳng định dấu ấn của cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 1: “Mỏ vàng” du lịch của Điện Biên

Bài 2: “Khơi dòng” nội lực

Thành viên đoàn Famtrip khảo sát du lịch tại cao nguyên đá Tả Phìn.

Tín hiệu khởi sắc

Trong những ngày tháng vừa qua, một thực tế phải khẳng định rằng hoạt động du lịch tại huyện Tủa Chùa đang có bước tiến khởi sắc. Với chủ trương đẩy mạnh xúc tiến du lịch, huyện Tủa Chùa đang mở cửa, tạo cơ chế và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đến đầu tư, quảng bá và khai thác các tour du lịch trên địa bàn. Từ đó, tạo những “cầu nối” đưa vẻ đẹp của Tủa Chùa đến gần hơn những người yêu du lịch. 

Tại chuyến đi khảo sát du lịch tỉnh Điện Biên gần đây, chúng tôi được đồng hành cùng đoàn Famtrip gồm hơn 50 công ty lữ hành trên toàn quốc đến với huyện Tủa Chùa. Xuyên suốt hành trình Famtrip, không khí phấn khởi, hào hứng luôn tràn ngập bởi âm vang của những tiếng hát, tiếng cười nói rôm rả trên các cung đường uốn lượn để tới với các điểm đến. Tại mỗi điểm khảo sát, các thành viên trong đoàn đều rất thích thú với sức hút kỳ lạ của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nhưng rất huyền bí, chứa đựng nét đặc sắc về văn hóa vùng miền nơi rẻo cao Tủa Chùa.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietourist TP. Hồ Chí Minh cho biết: Qua quá trình khảo sát, tôi nhận thấy Tủa Chùa có những sản phẩm, địa điểm du lịch rất hấp dẫn, như: Cao nguyên đá tai mèo ngút ngàn tầm mắt, những thửa ruộng bậc thang với nhiều gam màu tuyệt đẹp, thành Vàng lồng có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa; hang động Khó Chua La là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, chợ đêm thị trấn Tủa Chùa đậm nét bản sắc văn hóa vùng cao… Sau chuyến Famtrip khảo sát các điểm đến du lịch, trải nghiệm dịch vụ vận chuyển, đến ẩm thực, nơi lưu trú này, chúng tôi sẽ xây dựng những tour, tuyến du lịch phù hợp để kết nối du khách đến với Tủa Chùa.

Du khách lựa chọn hàng hóa tại chợ đêm thị trấn Tủa Chùa.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến du lịch được tăng cường mở rộng cả về quy mô và hình thức thì công tác quảng bá các hình ảnh về tài nguyên du lịch Tủa Chùa đến du khách và nhân dân cũng được Đảng bộ huyện quan tâm đẩy mạnh. Nhiều hoạt động, sự kiện giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, du lịch địa phương được triển khai như: Tổ chức Lễ công nhận di tích Quốc gia, di tích cấp tỉnh, di sản văn hoá phi vật thể; tổ chức hội thảo “Tủa Chùa với phát triển du lịch và thu hút đầu tư”; phối hợp tiếp đón các hãng lữ hành, phóng viên đến khảo sát quảng bá tài nguyên sản phẩm du lịch và lập tua tuyến; tích cực tham gia các lễ hội, hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Minh chứng rõ nét nhất là tại chợ đêm thị trấn Tủa Chùa, sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình công cộng, chợ đêm Tủa Chùa đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm các dịch vụ du lịch. Tại đây, du khách thỏa sức lựa chọn các mặt hàng rất phong phú và đa dạng, từ trang phục thổ cẩm đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình, vật dụng sản xuất nông nghiệp…; và thưởng thức hương vị của các món ăn dân tộc. Vì thế mà khung cảnh chợ đêm thị trấn mỗi cuối tuần lại càng ngày thêm náo nhiệt, đông đúc trong đa sắc màu của du khách và đồng bào dân tộc nơi đây.

Hiện thực hóa khát vọng du lịch

Những tư tưởng tiến bộ, quan điểm trong Nghị quyết số 32 đang được hiện thực hóa, được cấp ủy, chính quyền đưa vào cuộc sống. Xác định từng bước đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình thực tế địa phương. Tập trung phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Đồng thời, trong quá trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Du lịch cộng đồng là một trong những định đướng phát triển du lịch của huyện Tủa Chùa.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng thực tế cũng hé mở những cơ hội cho sự phát triển của du lịch. Với Tủa Chùa, huyện sẽ phát huy tối đa nội lực để phát triển bền vững, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất. Đặc biệt, huyện chú trọng xây dựng các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế, vẻ đẹp, phong cảnh, văn hóa các dân tộc, trọng tâm là du lịch cộng đồng, trải nghiệm, sinh thái, danh lam thắng cảnh và bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người, không gian chợ phiên, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. Từng bước phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử và hình thành các điểm vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình công cộng như đường, phố, chợ, quãng trường, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí… Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông với các tỉnh, huyện và đầu tư các điểm dừng chân trên các tuyến du lịch. Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, liên kết, mở rộng thị trường du lịch. Huyện chú trọng tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh, những nơi có điều kiện tương đồng, đang phát triển mạnh về du lịch của khu vực Tây Bắc, Đông Bắc như Sa Pa, Mộc Châu, Mai Châu, Đồng Văn để quảng bá, xúc tiến du lịch.

Ông Vùi Văn Nguyện, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện xác định cần đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Trong đó, nhấn mạnh vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, môi trường; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, thân thiện, tôn trọng và bình đẳng trong cuộc sống, đặc biệt đối với khách du lịch. Với thế mạnh về phát triển du lịch địa phương, Tủa Chùa cũng đang quyết tâm triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường để thu hút khách du lịch. Tập trung khảo sát, lập hồ sơ các công trình phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng “Bản văn hóa du lịch” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; rà soát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các di tích danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đề nghị cấp có thẩm quyền xếp loại di tích theo quy định nhằm tiếp tục hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, các sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm trên tuyến tham quan du lịch.

Thôn Tiên Phong, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) đang đổi thay từ phát triển du lịch.

Cùng với đó, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch… Coi trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đó sẽ là những sản phẩm đặc thù để thu hút khách du lịch đến với Tủa Chùa trong thời gian tới, qua đó nhằm hiện thực hóa khát vọng du lịch Tủa Chùa.

Phấn đấu đến năm 2030 đưa Tủa Chùa trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc; mỗi năm thu hút trên 40.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó khoảng 10% khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch và các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ du lịch chiếm tỷ lệ quan trọng trong tổng thu ngân sách trên địa bàn. Thông qua phát triển du lịch tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 3.000 lao động.

Văn Tâm – Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top