Bài dự thi Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát triển du lịch xứng danh Điện Biên Phủ: Khoảng cách giữa khát vọng và thực tế (bài 2)

08:36 - Thứ Bảy, 05/11/2022 Lượt xem: 7688 In bài viết

Bài 2: Nhiều tiềm năng chưa được “đánh thức”

ĐBP -Trong bức tranh tổng thể chung ngành “công nghiệp không khói” của Điện Biên, các loại hình du lịch khác như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… đã và đang được chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế để nhân rộng và thúc đẩy trở thành thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các loại hình du lịch này vẫn còn không ít vấn đề tồn tại, kìm chân sự phát triển chung của du lịch tỉnh nhà…

Bài 1: Du lịch lịch sử đã xứng tầm bản hùng ca Điện Biên Phủ?

Phụ nữ dân tộc Thái, bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ chuẩn bị món ăn để đón khách du lịch.

“Nàng sơn nữ” ngủ quên…

Như chúng ta đã biết, Điện Biên có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng với những nét đặc trưng về tự nhiên, văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc bản địa, như: Thái, Mông, Hà Nhì, Khơ Mú... Ngoài ra, công tác phục dựng, khai thác một số lễ hội truyền thống tiêu biểu như Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt (dân tộc Khơ Mú); Tết té nước (dân tộc Lào); Xên bản (dân tộc Thái)… từng bước đi vào chiều sâu, dần trở thành hoạt động thường niên, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhưng để du lịch cộng đồng thật sự cất cánh, còn rất nhiều việc phải làm. Nếu nói vẻ đẹp đó như một “nàng sơn nữ” thì “sơn nữ” vẫn chìm trong giấc ngủ say, chưa được “đánh thức”…

Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên là 1 trong 8 bản văn hóa đầu tiên của Điện Biên được đầu tư, xây dựng nhà văn hóa và nâng cấp thành bản văn hóa du lịch giai đoạn 2003 - 2010. Sau gần 20 năm tham gia phát triển du lịch cộng đồng, người dân bản Mển nay đã quen với cách làm du lịch gắn với xây dựng nếp sống văn minh, môi trường xanh, sạch, đẹp. Lượng khách du lịch đến với bản Mển cũng tăng dần theo từng năm… Thế nhưng, dù đã qua gần 20 năm làm du lịch, bản Mển vẫn chỉ đón khách, phục vụ một số trải nghiệm đơn thuần, như: Ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, múa xòe, sạp... Hoạt động trải nghiệm, lưu trú còn rất hạn chế, đơn điệu, chưa phát huy tốt những ưu điểm của mình.

Người dân, du khách nắm tay nhau trong điệu xòe tại đêm khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2022.

Đây cũng là thực tế chung của các bản văn hóa du lịch trong tỉnh. Không chỉ vậy, phần lớn các bản văn hóa du lịch và các mô hình du lịch cộng đồng mới phát triển tại một số huyện như Nậm Pồ, Tủa Chùa là của đồng bào dân tộc Thái, chưa mở rộng khai thác ra nhiều dân tộc, tạo nên bức tranh đa sắc màu các dân tộc. Việc mở rộng ra các địa phương cũng còn hạn chế, nhiều huyện chưa xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng, như: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà.

Có thể thấy, du lịch cộng đồng hiện nay vẫn chỉ là những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, có sao phục vụ khách như vậy. Trong khi điểm cốt lõi của du lịch cộng đồng là du khách hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, trải nghiệm các bản sắc văn hóa khác nhau. Có thể thấy cách làm du lịch cộng đồng của Điện Biên mới đang “đặt hờ” trên con đường du lịch, chưa vững chãi và phát triển mạnh mẽ.

Chưa đáp ứng nhu cầu du lịch

Theo báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: “Tỉnh chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, tự phát. Công tác hỗ trợ đầu tư xây dựng các bản văn hóa du lịch có chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức; tỉnh chưa có bản văn hóa làm du lịch cộng đồng được công nhận là điểm du lịch, hiện tại các bản văn hóa du lịch mang tính tự phát, phục vụ đơn thuần dịch vụ ẩm thực địa phương, văn nghệ quần chúng.”

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Thế nhưng, các loại hình khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe của Điện Biên hiện nay mới khai thác được một vài tài nguyên du lịch “lộ thiên”, chưa “đánh thức” được các tiềm năng để chuyển sang làm du lịch thực thụ, chuyên nghiệp. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số điểm du lịch, thu hút được nhiều du khách như: Pha Đin Pass, Đào Viên Sơn, thung lũng Hoa Hồng, hồ Noong U… Hoặc với du khách đam mê phượt có thể chinh phục Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải, khám phá vẻ đẹp cao nguyên đá Tủa Chùa… Thế nhưng, các điểm này hầu hết manh mún, nhỏ lẻ, nằm khá xa trung tâm TP. Điện Biên Phủ mà chưa có sự kết nối giữa các điểm tạo thành một hành trình, dịch vụ sơ khai… nên vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách ngoại tỉnh.

Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp của hoa anh đào tại Đảo hoa, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ.

Anh Nguyễn Minh Vương, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ được bạn thân nhờ chuẩn bị đón một đoàn khách khoảng 30 người lên Điện Biên dự đám cưới. Nơi ăn, chốn nghỉ theo nhu cầu của đoàn cơ bản anh Vương có thể sắp xếp, bố trí được. Tuy nhiên, lịch trình tham quan du lịch lại khiến anh khá “đau đầu”.

Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch tại Điện Biên là 2,5 ngày, mức chi tiêu bình quân khoảng 1,7 triệu đồng/người…

Anh Vương chia sẻ: “Như dự kiến của đoàn sẽ ở TP. Điện Biên Phủ khoảng 3 ngày. Trừ thời gian ở hôn lễ thì đoàn có khoảng 2 ngày, 2 đêm để tham quan du lịch tại đây. Các điểm di tích, một số điểm tâm linh là nơi đoàn chắc chắn sẽ đến. Tôi cũng đã liên hệ với 1 nhà hàng ở huyện Điện Biên phục vụ ăn uống và giao lưu múa xòe, múa sạp... Thế nhưng đến đây là tôi bắt đầu… “bí”, chẳng biết xây dựng lịch trình tiếp theo của đoàn như thế nào. Bởi tại TP. Điện Biên Phủ còn quá ít các điểm vui chơi hoặc có thì cũng không đặc sắc, hấp dẫn, nhất là với đoàn đến từ tỉnh, thành lớn đã có nhiều trải nghiệm khác nhau. Còn các điểm đến hấp dẫn thì lại ở quá xa, thời gian của đoàn không đủ để có thể tới thăm được…”.

“Vượt chặng đường dài như thế, nếu trải nghiệm du lịch mà quá ít ỏi, không tương đồng với thời gian, tiền bạc và cả kỳ vọng của đoàn khi tới Điện Biên, là chủ nhà mình cũng cảm thấy chưa được chu đáo, nhiệt tình…” – anh Vương chia sẻ thêm.

Dù đến từ tỉnh Phú Thọ nhưng chị Bùi Thu Hường cũng có chung suy nghĩ với anh Vương khi có gần 2 ngày trọn vẹn ở tại phố núi Điện Biên Phủ trong chuyến du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua. Chị Hường chia sẻ: “Nhìn chung không khí Điện Biên trong lành, con người thân thiện, mến khách… Tuy nhiên các điểm đến để vui chơi còn khá khiêm tốn. Sau khi tham quan hết các điểm di tích, tâm linh, bạn của tôi có dẫn tới một quán cà phê ở ngoại vi TP. Điện Biên Phủ, đang “hot” dịp gần đây. Quán bài trí, thiết kế được, “view” khá đẹp nhưng không quá đặc sắc và đường đi xấu… Tiếp đó chị bạn có gợi ý một số điểm đến khác, trong đó có tắm khoáng nóng, nhưng tôi thấy cơ sở hạ tầng và dịch vụ đều còn hạn chế. Theo ý kiến của cá nhân tôi, hiện nay tại Điện Biên, nhất là ở trung tâm TP. Điện Biên Phủ, khách du lịch đang thiếu chỗ tiêu tiền, dù họ sẵn sàng tiêu tiền. Ví dụ như chưa có chợ đêm, phố đi bộ, các mặt hàng nông, lâm sản lại khá tương đồng với các địa phương khác ở khu vực…”.

Lễ dâng hương tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Theo phân tích của các chuyên gia về du lịch, khách du lịch chỉ mua sản phẩm du lịch chứ không mua tài nguyên du lịch. Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu các dịch vụ gắn với du lịch thì không thể khiến du khách bỏ tiền. Thế nên nếu cứ dừng lại ở mức tiềm năng với tài nguyên du lịch phong phú mà chưa biến chúng thành sản phẩm thì khó có thể đưa ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà cất cánh. Điều đó có nguyên nhân một phần ở việc du lịch mới chỉ tập trung phát triển tại khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ mà chưa mở rộng được ra các huyện, thị khác trong toàn tỉnh…

Bài 3: “Vùng lõm” trong phát triển du lịch

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền – Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top