Những món bánh phải thử khi đến Hà Giang

07:42 - Thứ Ba, 22/11/2022 Lượt xem: 6497 In bài viết

Bánh chưng gù; Bánh tam giác mạch; Thắng dền... là những món bánh nhất định phải thử khi đến Hà Giang.

 

Bánh chưng gù

Đây là đặc sản của người Tày ở Hà Giang, có hình dáng như người phụ nữ đeo gùi trên lưng đang cúi xuống. Bánh chưng gù nhỏ hơn và được gói ít lá hơn bánh chưng truyền thống của người Kinh. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là gạo nếp Bắc Mê cùng với phần nhân làm từ thịt lợn đen ướp gia vị, đỗ xanh đồ chín. Có hai loại bánh chưng gù là bánh chưng đen và bánh chưng xanh. Về cơ bản, cách gói, luộc bánh chưng gù của người Tày cũng giống người Kinh, nhưng hình dáng và hương vị của bánh khác biệt hoàn toàn.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch là đặc sản của người Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân thu hoạch hạt, phơi nắng vài tuần rồi xay thành bột. Khi xay phải thật khéo, nếu không thì bột sẽ không mịn, bánh không ngon. Để tạo ra hương vị khác biệt, người ta trộn thêm bột đỗ và bột gạo nếp nương theo một tỷ lệ nhất định rồi cho hỗn hợp bột này nhào với nước, đánh nhuyễn và nặn thành những chiếc bánh hình tròn có đường kính 10cm, mỏng chừng 1cm. Bánh được hấp chín, sau đó nướng trên bếp lửa và thưởng thức ngay khi còn nóng hổi. Bánh tam giác mạch có màu tím phai, mềm, xốp, càng nhai càng cảm nhận vị bùi, ngọt thanh, phảng phất hương thơm của cây rừng. Bánh tam giác mạch thường được người Mông ăn cùng thắng cố trong những buổi chợ phiên. Đây cũng là một trong hai đặc sản (cùng với lợn cắp nách) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi vào danh sách Top 100 món ăn đặc sản nổi bật của Việt Nam (năm 2021 - 2022).

 

 

Thắng dền 

Thắng dền là món ăn vặt dân dã của người Hà Giang vào những ngày giá rét. Có hai loại thắng dền là bánh chay hoặc bánh nhân đậu xanh. Nguyên liệu làm thắng dền chủ yếu gồm gạo nếp, đỗ xanh, đường, vừng, gừng, lạc, dừa... Sau khi ngâm gạo nếp qua đêm, người ta đem xay thành bột rồi cho vào một cái túi vải, treo lên cao và đợi cho đến khi bột ráo nước, đặc mịn. Tiếp theo, người ta nặn bột thành những viên bánh to hơn đầu ngón tay cái, bên trong có nhân đỗ, vừng, dừa. Nếu là bánh chay thì nặn nhỏ hơn. Sau đó, người ta đun nước sôi và thả viên bánh vào. Khi bánh chín, nổi lên thì vớt ra, xếp bánh vào bát rồi chan nước dùng. Nước dùng của thắng dền quyết định hương vị của bánh, nhìn chung đều gồm các thành phần đường, nước cốt dừa, nước gừng đun nóng, rắc thêm chút vừng hoặc lạc để thắng dền thơm và bùi hơn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top