Ẩm thực Việt: Có "sao", phải giữ được "sao"!

09:16 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 5807 In bài viết

Việc tổ chức Michelin đến Việt Nam và công bố danh sách 103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 4 nhà hàng đạt “1 sao Michelin” đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới ẩm thực và công chúng. Sự kiện này không chỉ quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, thu hút du khách mà còn đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà hàng, cơ sở ăn uống trong việc nâng cao dịch vụ, giữ gìn danh tiếng.

Tổ chức Michelin công bố 4 nhà hàng ở Việt Nam đạt “1 sao Michelin”. Ảnh: Hoàng Quyên

Cơ hội lớn để thu hút du khách

Danh tiếng của Michelin trong làng ẩm thực thế giới đã được khẳng định gần 100 năm qua với tiêu chí đánh giá độc lập riêng cùng sự khắt khe, khó tính. Các chuyên gia từng phân tích rằng, nhà hàng nào nhận được 1 sao Michelin thì sẽ tăng 20% doanh thu, 2 sao là 40% và 3 sao là gấp đôi. Đó là lý do nhiều nhà hàng trên thế giới luôn khát khao có được sự đánh giá từ Michelin.

Vì sự ảnh hưởng lớn của Michelin với ẩm thực thế giới nên ngay khi tổ chức này công bố danh sách 103 nhà hàng đạt chuẩn của Michelin, trong đó có 3 nhà hàng ở thành phố Hà Nội đạt được 1 sao Michelin gồm có: Gia, Hibana by Koki của khách sạn Capella Hanoi, Tầm Vị; 1 nhà hàng tại thành phố Hồ Chí Minh là Anăn Saigon đã nhận được sự quan tâm rất lớn của giới ẩm thực Việt Nam và công chúng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định, đây là sự kiện lớn của lĩnh vực ẩm thực nói riêng và của ngành Du lịch Việt Nam nói chung, giúp quảng bá hiệu quả ẩm thực Việt Nam ra thế giới, góp phần thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Chia sẻ về những tác động sau khi được Michelin vinh danh, chị Mai Anh, đồng sáng lập nhà hàng Tầm Vị, cơ sở được gắn “1 sao Michelin” cho biết, sau khi được gắn “1 sao Michelin”, nhà hàng nhận được sự quan tâm lớn của du khách. Lượng khách đặt bàn đông hơn trước nhiều.

Còn theo bà Phạm Bích Hạnh, chủ chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon và Ngon Garden (nằm trong danh sách 70 nhà hàng được Michelin giới thiệu cho du khách), giá trị mà Michelin mang lại không chỉ là danh tiếng và lượng khách đông mà tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong việc giới thiệu món ăn Việt Nam với thế giới.

“Với góc nhìn và đánh giá rất riêng của Michelin, rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn của Việt Nam được quảng bá, giới thiệu ra thế giới”, bà Phạm Bích Hạnh bày tỏ.

Chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon và Ngon Garden nằm trong danh sách 70 nhà hàng được Michelin giới thiệu cho du khách. Ảnh: Hoàng Quyên

Cần chiến lược quảng bá, giới thiệu bài bản

Trước khi Michelin tới Việt Nam và đưa ra danh sách của riêng mình thì ẩm thực Việt Nam đã được giới truyền thông quốc tế đánh giá cao. Hàng loạt món ăn của Việt Nam như: Phở, bánh mì, cà phê trứng, hủ tiếu, bún bò, nem, chả cá… lọt vào danh sách những món ăn hấp dẫn của nhiều chuyên trang du lịch nổi tiếng như: CNN, TripAdvisor, TasteAtlas… Điều này cho thấy, ẩm thực Việt đã có sự lan tỏa riêng. Tuy nhiên, việc quảng bá, giới thiệu món ăn Việt Nam tới du khách quốc tế chưa được thực hiện bài bản với chiến lược riêng nên các món ăn mà thế giới biết đến chưa nhiều dù nền ẩm thực Việt Nam rất đa dạng.

Theo Tổng Thư ký Liên Chi hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh, điều quan trọng nhất sau khi được Michelin vinh danh và cấp “sao” là các cơ sở ăn uống phải nâng cấp chất lượng dịch vụ để giữ được “sao”.

“Giá trị lớn mà Michelin mang đến ngoài việc quảng bá thương hiệu còn là nguồn động lực để tất cả nhà hàng phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, để ẩm thực Việt Nam được biết đến nhiều hơn còn cần các chiến lược quảng bá bài bản”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh bày tỏ.

Còn theo Chủ tịch Chi hội Đầu bếp Hà Nội (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Hà Hải Đoàn, việc được Michelin vinh danh là niềm tự hào lớn của ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là có “sao” hay không thì các cơ sở phải làm việc trên tinh thần vì khách hàng chứ không chỉ để được cấp các chứng nhận.

“Nếu làm mất uy tín, giảm chất lượng, Michelin có thể sẽ hạ “sao” hoặc thu hồi. Điều này đã xảy ra ở rất nhiều nhà hàng trên thế giới, khiến không ít nhà hàng bị công chúng quay lưng. Nói như vậy để thấy, đạt được “sao” đã khó, giữ còn khó hơn. Các cơ sở cần nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách và chất lượng món ăn”, ông Hà Hải Đoàn nói.

Tại Hà Nội, với 48 cơ sở ăn uống được Michelin lựa chọn, trong đó có 3 nhà hàng được gắn “1 sao Michelin”, 13 nhà hàng nhận giải quán ăn ngon với giá cả phải chăng, 32 nhà hàng thuộc danh sách tuyển chọn Michelin, là cơ hội lớn để Hà Nội phát triển du lịch ẩm thực.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, tới đây, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ sở ăn uống xây dựng “bản đồ foodtour” dựa trên danh sách các nhà hàng được Michelin vinh danh. “Ẩm thực sẽ là thế mạnh của du lịch Hà Nội nên chúng tôi sẽ tập trung quảng bá mạnh lĩnh vực này. Sở sẽ yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đồ ăn để lan tỏa vẻ đẹp và sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội nói riêng cũng như du lịch Việt Nam nói chung”, bà Đặng Hương Giang nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top