Cần thực hiện hiệu quả quy hoạch về du lịch

06:59 - Thứ Bảy, 24/06/2023 Lượt xem: 6051 In bài viết

ĐBP - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tích hợp các quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xác định trong đề cương, nhiệm vụ quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, triển khai các dự án liên quan tới du lịch, các sở ngành, địa phương đã tập trung rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh; lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Đảo hoa anh đào cũng nằm trong quy hoạch Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan, thưởng ngoạn hoa anh đào tại xã Mường Phăng

Còn vướng trong quy hoạch

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ được xây dựng tại khu đất nghiên cứu lập quy hoạch nằm trên địa phận xã Pá Khoang, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) và xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) với tổng diện tích 318,33ha. Trong đó, khu 1 có diện tích 302,73ha được phân thành các khu vực dựa theo chức năng phát triển như: Khu công trình công cộng - thương mại dịch vụ, khu ga đi cáp treo, khu ở - lưu trú, khu làng bản hiện trạng, khu công viên văn hóa - công viên chuyên đề... Khu vực 2 có diện tích 5,89ha là ga đến của cáp treo, bao gồm nhà ga đến và các công trình du lịch; dự kiến sẽ khảo sát, mở rộng với diện tích 16ha. Còn lại, khu vực 3 là tuyến cáp treo và hành lang an toàn tuyến cáp có diện tích 9,71ha.

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Vị trí nghiên cứu Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ không nằm trong các khu vực trọng tâm định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát các hạng mục dự kiến đầu tư thuộc Đồ án quy hoạch có ảnh hưởng đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Sở đã đề nghị Sở Xây dựng chủ trì tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra thực tế xác định mức độ ảnh hưởng, làm cơ sở để thẩm định và cập nhật bổ sung vào quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ. Ngoài ra, một phần khu vực dự kiến quy hoạch tiếp giáp với khu vực Khoanh vùng bảo vệ II của di tích gồm: Bãi họp các quân binh chủng mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và di tích Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ (tại các khu vực tiếp giáp này được quy hoạch xây dựng các công trình thương mại dịch vụ). Do vậy, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị chủ đầu tư phải phối hợp với đơn vị kiểm tra thực địa xác định ranh giới tiếp giáp, tránh chồng lấn vào khu vực bảo vệ di tích.

Theo nhận định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay lượng khách du lịch đến Điện Biên tuy có nhiều chuyển biến tích cực sau dịch bệnh Covid-19 song lượng khách du lịch quốc tế còn rất thấp, thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chưa thực hiện được. Chưa thu hút được nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch tham gia đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Hiện nay hầu hết các quy hoạch, dự án liên quan đến du lịch chưa được triển khai, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là địa bàn vùng cao biên giới, xa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối nhận khách du lịch lớn; giao thông đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc di chuyển; sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế; các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hầu hết quy mô còn nhỏ hạn chế về vốn, năng lực hoạt động. Trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác lập quy hoạch xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, xúc tiến, quảng bá còn rất thấp.

Cần phối hợp tháo gỡ

Các quy hoạch phát triển du lịch khác cũng đã được tỉnh ta tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xác định trong đề cương, nhiệm vụ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch phát triển du lịch được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh trong khu vực; các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, qua nhiều bước rà soát, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã cơ bản hoàn thiện. Trong đó, đối với các dự án du lịch, khu vui chơi, giải trí: Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư có quan tâm đến các dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư.

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quy hoạch, triển khai các dự án liên quan đến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu bố trí nguồn kinh phí phù hợp để tăng cường đầu tư công trình, dự án về du lịch, nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch như: Bãi đỗ xe, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc các nguồn vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền nhu cầu đầu tư và kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương. Trong đó có các dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng như: Dự án Bảo tàng tỉnh; dự án khoanh vùng, cắm mốc di tích chiến trường Điện Biên Phủ; dự án bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Đối với những dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và phải tập trung cho các dự án trọng điểm (trong đó có các dự án hạ tầng du lịch, văn hóa, hỗ trợ để phát triển du lịch), việc bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn là hết sức khó khăn. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất ưu tiên, tăng nguồn ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sơ hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển du lịch. Đặc biệt bố trí nguồn ngân sách để triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top