Thu hút khách du lịch: Tăng trải nghiệm bằng kết nối di sản

08:45 - Thứ Tư, 05/07/2023 Lượt xem: 6109 In bài viết

Sở hữu những di sản văn hóa, di sản thiên nhiên nổi tiếng, nhiều năm gần đây, các tỉnh, thành phố của nước ta không ngừng liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn để tăng trải nghiệm, thu hút du khách. Đã có những hành trình tạo điểm nhấn cho du khách nhưng cũng có không ít sản phẩm hiệu quả khai thác chưa cao, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay nhiều hơn nữa của các địa phương và doanh nghiệp.

Tuyến du lịch Hà Nội - Tràng An (Ninh Bình) thu hút đông du khách trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Quyên

Những sản phẩm “đinh”

Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) nhiều năm trở lại đây là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Những ngày tháng 6 oi nóng, mặc dù không phải là mùa cao điểm đón khách quốc tế nhưng lượng khách nước ngoài đến trải nghiệm và lưu trú tại khu vực Tràng An, Tam Cốc, Bích Động khá đông.

Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ homestay Hoàng Long Riverside (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết, những tháng hè, khách quốc tế đặt phòng qua trang du lịch Booking.com khá thường xuyên, đa phần là khách Hàn Quốc, Anh, Đức. Còn ông Brian Tucker đến từ Australia cho biết, vợ chồng ông quyết định hành trình khám phá các di sản từ Hà Nội đến Ninh Bình sau khi tham khảo nhiều điểm đến. “Chúng tôi thích vẻ cổ kính, trầm mặc và các câu chuyện văn hóa của Thủ đô Hà Nội; sự yên bình, sạch sẽ và nhiều trải nghiệm gần gũi thiên nhiên tại Ninh Bình”, ông Brian Tucker nói.

Cùng với tuyến Hà Nội - Ninh Bình, những tuyến du lịch kết nối di sản từ Hà Nội đi Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của du thuyền Ambassador Đoàn Ngọc Bảo cho biết, với nhiều sản phẩm trải nghiệm trên vịnh Hạ Long như du thuyền nghỉ dưỡng qua đêm, du thuyền 1 ngày trên vịnh, du thuyền buổi tối… du khách từ Hà Nội có nhiều lựa chọn, vì thế các sản phẩm du thuyền đã được đặt kín trong mùa cao điểm hè.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, du lịch văn hóa, di sản vẫn là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Những tuyến du lịch khám phá di sản Việt Nam luôn có sức hấp dẫn riêng khi chạm tới cảm xúc của du khách.

Còn theo Giám đốc Công ty Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh, các tuyến du lịch kết nối di sản được xem là sản phẩm “đinh” của các đơn vị, đặc biệt là trong chiến lược quảng bá tới du khách quốc tế.

Cần gắn kết chặt chẽ hơn

Bên cạnh các tour, tuyến du lịch di sản đã định hình sản phẩm quen thuộc với du khách, nhiều năm qua, không ít đơn vị xây dựng nhiều sản phẩm du lịch di sản mới xuất phát từ Hà Nội.

Điển hình như những tour đi từ Hà Nội - Quảng Bình khám phá các hang động, dành cho những du khách thích du lịch mạo hiểm. Hay các tuyến du lịch tâm linh xuất phát từ di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đến Tây Yên Tử (Bắc Giang). Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít sản phẩm chỉ khai thác được vài lần.

Lý giải về những thất bại này, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, nhiều sản phẩm chưa đánh giá được tâm lý và nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, công tác liên kết, hợp tác giữa các điểm đến chưa chặt chẽ, không ít sản phẩm chỉ là “bình mới rượu cũ”, chưa có câu chuyện hấp dẫn du khách. Còn theo Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup Phạm Hà, hiện nay việc liên kết giữa các địa phương vẫn mang tính cục bộ khiến nhiều sản phẩm đang “gây khó” cho du khách.

Để những sản phẩm văn hóa liên kết có hiệu quả cao trong hấp dẫn du khách, đặc biệt là hút khách quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, điều quan trọng vẫn là chính sách phối kết hợp giữa các địa phương, đơn vị; công tác quản lý điểm đến; nhân lực du lịch. “Muốn làm du lịch văn hóa, di sản bền vững thì những người làm du lịch cần hiểu và tôn trọng văn hóa bản địa, tránh làm mất đi bản sắc địa phương”, ông Vũ Thế Bình nói.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, để thu hút và níu chân du khách, đặc biệt là khách quốc tế, các địa phương cần phải chú trọng vấn đề quản lý điểm đến, đặc biệt là quan tâm đến yếu tố môi trường, cảnh quan, rác thải, xử lý vấn nạn “chặt chém”, nâng giá.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8-2023. Theo đó, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thống nhất nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Đây là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn, lưu trú dài ngày.

Để níu chân khách quốc tế và khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam rõ ràng cần có chiến lược và sự chuẩn bị của các đơn vị, trong đó yếu tố xây dựng sản phẩm dài ngày cần phải được chú trọng. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý, địa phương và đơn vị du lịch.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top