Khuyến cáo về hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch"

10:07 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 6512 In bài viết

Một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Ngày 5-7, Bộ Công an cho biết, đã phát thông báo về hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare) - đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Thời gian gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng.

“Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền, tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Thời điểm hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ chủ động gọi điện thoại thông báo chương trình “tri ân khách hàng”, với những lời mời chào hấp dẫn, đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia.

Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian nhanh chóng. Trong khi đó, hợp đồng có số lượng lớn trang giấy A4 nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, ký các điều khoản không rõ ràng; trong hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng… làm khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.

Người dân nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top