Đồng Nai:

Khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển du lịch

09:46 - Thứ Hai, 17/07/2023 Lượt xem: 7485 In bài viết

Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam, ngoài lợi thế về công nghiệp, Đồng Nai còn có thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Khung cảnh thanh bình trong Khu DTSQ thế giới Đồng Nai. Ảnh: TTXTDL Đồng Nai

“Lá phổi xanh” giữa miền Đông Nam Bộ

Đồng Nai sở hữu thế mạnh về du lịch sinh thái, thể hiện qua sự đa dạng về tự nhiên và sinh học, nổi bật là hệ thống sông, suối, thác với mật độ dày đặc cùng hơn 60 khu, điểm du lịch như Khu du lịch Cù lao Phố, Cù lao Ba Xê; suối Mơ, suối Reo; Khu du lịch hồ Đa Tôn, hồ Nước Nóng; điểm du lịch thác Mai, thác Trời; Khu du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên; rừng đước Phước Thái...

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tài nguyên rừng rộng lớn, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 150.000ha rừng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn có chức năng điều hòa nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và hạn chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả miền Đông Nam Bộ... Vì thế, Đồng Nai được mệnh danh là “lá phổi xanh” cho cả vùng đất này.

Nhắc đến tài nguyên rừng, không thể không nhắc tới Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Đồng Nai đã được tham gia vào Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới. Khu DTSQ Đồng Nai có tổng diện tích 756.000ha, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông, trong đó, 80% diện tích vùng lõi nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi sinh sống của 2.376 loài thực vật bậc cao với hơn 1.200 loài cây thuốc; 2.824 loài động vật hoang dã, trong đó có 82 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam, 69 loài thuộc Danh mục Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Bên cạnh sự đa dạng sinh học, tại khu DTSQ này còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa phong phú, là nơi giao thoa văn hóa và sinh sống của 30 dân tộc anh em, trong đó người Chơro, STiêng và người Mạ là những cư dân có mặt sớm trên vùng đất Đồng Nai. Nhiều nét văn hóa độc đáo của các dân tộc này vẫn được lưu giữ đến ngày nay, như Lễ hội Sayangva, Lễ cầu mưa... Nơi đây còn được biết đến với Chiến khu Đ - căn cứ địa cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh đã được tôn tạo và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Bảo tồn để phát triển

Dựa trên tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, Đồng Nai tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách; trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ.

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Khu DTSQ Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiến hành các dự án nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học và văn hóa tại Khu DTSQ Đồng Nai nên diện tích rừng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt; hệ sinh thái đất, nước và các loài động thực vật ngày càng phong phú; các giá trị về tự nhiên, sinh học, văn hóa - lịch sử được giữ gìn và phát triển. Đời sống của người dân trong khu vực được cải thiện thông qua các hoạt động khai thác du lịch bền vững.

Đáng chú ý trong các hoạt động tại Khu DTSQ Đồng Nai là Dự án trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa vùng Chiến khu Đ; Bảo tồn khẩn cấp quần thể voi châu Á; Chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt; công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã; công tác khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa và lồng ghép tri thức bản địa... Nhờ đó, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa được bảo vệ, góp phần tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch. Những năm gần đây, lượng khách đến Khu DTSQ Đồng Nai liên tục tăng; tốc độ tăng bình quân 15,7%/ năm.

Song song với các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên gắn với phát triển du lịch, Đồng Nai cũng chú trọng bảo tồn các không gian văn hóa và hệ thống di sản nhằm xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa như du lịch cộng đồng, tìm hiểu làng người Mạ, STiêng ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên. Du khách có dịp tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo trong quá trình sinh tồn của người Mạ, STiêng gắn với rừng núi miền Đông Nam Bộ cùng các phong tục, tập quán độc đáo được bảo lưu như lễ hội đâm trâu, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng...

Một sản phẩm đặc thù khác của Đồng Nai cũng thu hút được số lượng lớn khách du lịch, đó là du lịch về nguồn. Đồng Nai sở hữu hệ thống di tích lịch sử - cách mạng dày đặc như Di tích Địa đạo Nhơn Trạch, Căn cứ Rừng Lá (huyện Xuân Lộc), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là những căn cứ địa cách mạng quan trọng ở miền Ðông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây đều là những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, thu hút một lượng khách du lịch quốc tế không nhỏ. Vì thế, trong thời gian tới Đồng Nai sẽ tập trung vào các sản phẩm đặc trưng này để quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh lan tỏa đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top