Chính sách thị thực (visa) mới của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15-8 đang mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch. Trước đó vài tháng, ngay khi Quốc hội Việt Nam thông qua chính sách này, lượng tìm kiếm của du khách nước ngoài về du lịch Việt Nam đã tăng lên.
Các chuyên gia nhận định, chính sách visa mới có hiệu lực đúng vào đầu mùa cao điểm đón khách quốc tế, sẽ là “đòn bẩy” để du lịch Việt Nam tăng khách quốc tế trong thời gian tới.
Lượng khách tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam tăng
Kể từ ngày 15-8-2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế. Trước đó, ngày 14-8-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15-3-2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước.
Cụ thể, Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15-3-2022 sẽ miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, so với Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15-3-2022 thì thời hạn tạm trú đối với công dân các nước trên sẽ được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.
Ngay khi có hiệu lực, thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam đã có dấu hiệu đáng mừng với số lượng khách tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam tăng đáng kể. Số liệu từ nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda vừa cho biết, từ giữa tháng 7-2023 đã ghi nhận sự gia tăng 33% về số lượt tìm kiếm từ những du khách quốc tế có kế hoạch cho kỳ nghỉ dài tại Việt Nam, so với hai tuần trước đó.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu nhận định, chính sách visa mới là cơ hội để các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm về thời lượng và chất lượng chương trình để kích cầu các thị trường khách. Thời điểm này, Vietluxtour đã nhận được những đơn đặt hàng của đối tác quốc tế ở các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á vào thời điểm từ quý IV-2023 đến quý I-2024.
Còn theo Giám đốc điều hành Công ty Allez Yoyage Nguyễn Xuân Quỳnh - đơn vị chuyên thị trường Pháp và Mỹ, chính sách visa mới sẽ là động lực để các đơn vị xây dựng các gói sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng lâu dài của du khách.
Cần thêm nhiều giải pháp
Mặc dù chính sách visa mới được nhận định sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam có thể gia tăng lượng khách quốc tế nhưng rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, đây chỉ là một “nút thắt” mới được tháo gỡ, để du lịch Việt Nam phát triển còn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, chính sách thị thực hiện nay mới chỉ có hiệu lực với 13 nước đang được miễn visa, để thu hút thị trường tiềm năng hơn, Chính phủ nên xem xét mở rộng với các quốc gia trọng điểm khác. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng chất lượng, dịch vụ điểm đến, không để xảy ra hiện tượng chèo kéo khách, tăng giá. “Khách nước ngoài thường không thích những nơi quá ồn ào mà họ thích trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa, những nơi nghỉ dưỡng trong lành, xanh mát, gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường, ông Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, chính sách visa chỉ là một trong những lý do để khách lưu trú lâu dài. Để khách ở lại lâu và chi tiêu nhiều, du lịch Việt Nam cần phải làm tốt sản phẩm, xây dựng lại sản phẩm mới, chương trình tour phù hợp với khách lưu trú dài ngày, có thể xây dựng các gói sản phẩm kết hợp khám phá Việt Nam và các nước Đông Dương như Campuchia, Lào; hoặc sản phẩm trải nghiệm liên tuyến tại Việt Nam.
Để đón đầu lượng khách quốc tế năm nay, đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động tới các địa phương. Điển hình là việc ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14-7-2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm... Ngày 15-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ, các đơn vị, địa phương cần nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành Du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Tại Hà Nội, sau khi chính sách visa mới có hiệu lực, Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế, trong đó tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm ở ngoại thành. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị đã có kế hoạch tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch lớn cho Thủ đô như: Lễ hội mùa thu Hà Nội, lễ hội du lịch áo dài, lễ hội quà tặng.