Nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt từ đẩy mạnh chiến lược marketing

17:02 - Thứ Hai, 21/08/2023 Lượt xem: 8613 In bài viết

Để thu hút khách du lịch và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm rất cần được chú trọng.

Du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng. Ảnh: VGP/DA

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Những chỉ số tích cực này cùng với những chính sách về thị thực thông thoáng, cởi mở của Chính phủ đã thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể và trọng tâm, trong đó đáng chú ý là việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa các hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại.

Đồng thời, cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…).

Tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.

Các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu sẽ được tập trung tiếp thị gồm có: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị, trong đó, tập trung vào các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.
 

Việt Nam có tài nguyên du lịch phong phú, có văn hóa bản địa đặc sắc, có nền ẩm thực truyền thống đa dạng.

Cần có định hướng cụ thể cho từng thị trường du lịch

Ông Vũ Văn Tuyên-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy cho rằng Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được ban hành ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên ông Tuyên cũng bày tỏ băn khoăn và trăn trở đó là làm sao để giữ chân khách du lịch ở lại Việt Nam nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn và các sản phẩm du lịch Việt Nam thu hút được du khách hơn. Điều này cần có định hướng và mục tiêu rất cụ thể.

Ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, chúng ta không nên đưa ra một chiến lược marketing chung chung mà phải đi theo từng thị trường, để thu hút được đông đảo du khách hơn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, chiến lược năm nay định hướng vào thị trường khách châu Âu, nhưng châu Âu có hơn 25 nước vì vậy phải phân rõ những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách, từ đó có cách truyền thông quảng bá cho từng thị trường. Đơn cử như du khách Italy, Tây Ban Nha, Pháp mong muốn tìm hiểu về giá trị bản địa, lịch sử, văn hóa, vì vậy ngoài quảng bá các điểm đến nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt… chúng ta nên đi sâu marketing về tính bản địa. 

Đối với việc xây dựng sản phẩm du lịch, ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ: "Trong quá trình làm du lịch, tôi có nhiều điều kiện được đi và khám phá ẩm thực của các nước trên thế giới. Là người Việt Nam tôi vô cùng ấn tượng và tự hào về ẩm thực nước nhà. Những điều giản dị như ở Việt Nam có hơn 300 loại nước chấm đều có thể trở thành điểm vô cùng đặc biệt để có thể giới thiệu tới du khách. Điểm yếu của chúng ta là chưa có cách thức hiệu quả để quảng bá ẩm thực Việt nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Trong khi, trên thế giới chỉ cần nhắc tới kim chi là người ta nghĩ tới Hàn Quốc với sự xuất hiện cả trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình, ca nhạc...".

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên truyền thông quốc tế

Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế trong đó Bộ là cơ quan chủ trì, kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Minh cũng đề nghị xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn để xây dựng chương trình quảng bá tổng thể về du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện riêng lẻ, chưa có sự thống nhất. Đồng thời nên phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín như Michelin, Netflix để định vị thương hiệu của du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao.

Ông Bùi Văn Mạnh -Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá chung tại các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; tổ chức kết nối vùng, liên vùng; kết nối các nền tảng số của các tỉnh, thành phố với cả nước và tăng cường tập huấn đào tạo về marketing số…

Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để thu hút khách du lịch và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, từ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, khách có khả năng chi trả cao đến công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm. 

Đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực để bảo đảm chất lượng cung ứng, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến ở các địa phương, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn giúp cho du khách đến Việt Nam được trải nghiệm đúng theo nhu cầu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt yêu cầu, trong thời gian tới cần tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. Kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch. Các hiệp hội du lịch phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Theo Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.

Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022-2025, sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top