Tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:36 - Thứ Tư, 30/08/2023 Lượt xem: 10168 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn famtrip khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023. Một hành trình lớn, dài ngày, xuyên suốt cả tỉnh với nhiều tiềm năng du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được khám phá. Ðây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan chuyên môn xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong thời gian tới…

Ðồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với đa dạng các nét văn hóa truyền thống là tiềm năng phát triển du lịch. Trong ảnh: Phụ nữ Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé thực hiện nghi thức soi gan lợn trong dịp tết cổ truyền.

Trong quá trình khảo sát, đoàn famtrip thực địa tại các điểm có tiềm năng du lịch, bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các địa phương: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, TX. Mường Lay.

 Tại TX. Mường Lay, đoàn dừng chân tại bản Bắc, xã Lay Nưa. Ðây là nơi tái định cư sau khi xây dựng Thủy điện Sơn La của cộng đồng dân tộc Thái trắng với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, mang màu sắc riêng có. Ðiều ấn tượng ở bản Bắc là các khu nhà sàn dọc bên lòng hồ thủy điện, uốn lượn soi bóng xuống lòng hồ tạo nên một vẻ đẹp độc đáo và thơ mộng. Bản Bắc vừa có vóc dáng hiện đại của những khu phố lại vừa giữ được nét đặc trưng của những bản làng truyền thống, rất hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, bản đang phát triển nghề làm bánh chí chọp, khẩu xén thành làng nghề truyền thống được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tương tự như vậy, bản Quan Chiêng, phường Na Lay cũng tập trung chủ yếu là dân tộc Thái trắng với nhiều nét văn hóa truyền thống được lưu giữ như Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, Lễ Kin Pang Then, nghệ thuật xòe Thái… Ðặc biệt là nếp nhà sàn truyền thống lợp bằng đá tự nhiên cùng lối quy hoạch ngăn nắp, thông thoáng dọc hai bên lòng hồ. Trong bản có nhiều nhà to đẹp, có khả năng làm nơi lưu trú cho khách. Người dân nơi đây cũng rất mong muốn được làm du lịch cộng đồng và hiện đã có 1 hộ gia đình làm homestay… Cả 2 bản ở TX. Mường Lay đều có thế mạnh là các dãy nhà sàn truyền thống được quy hoạch thông thoáng, phù hợp nên sản phẩm có thể khai thác ở đây là du lịch cộng đồng với dịch vụ homestay, trải nghiệm cuộc sống văn hóa bản địa, du thuyền câu cá, ngắm cảnh...

Bản Lồng thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, cách quốc lộ 6 cũ, tuyến đi qua đèo Pha Ðin cũ khoảng hơn 5km. Bản Lồng nằm trong thung lũng lòng chảo tương đối biệt lập. Ðây là không gian sinh hoạt và giao lưu văn hóa của khoảng 100 hộ dân tộc Mông. Qua khảo sát của đoàn, các điệu múa, phong tục tập quán truyền thống vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Cộng đồng dân cư tại đây vẫn còn giữ được nhà trình tường truyền thống. Với những giá trị về tự nhiên, văn hóa sẵn có, bản Lồng có tiềm năng lớn để trở thành bản du lịch cộng đồng. Về hạ tầng giao thông, tiếp cận bản Lồng tương đối thuận lợi bởi con đường từ quốc lộ 6 cũ vào bản Lồng cũng như đường giao thông nội bản đều đã được bê tông hóa. Ðây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập chính của bản Lồng vẫn là nông nghiệp, trong đó nổi bật với sản phẩm sơn tra và sâm ngọc linh. Những sản phẩm này sẽ có vai trò quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ cho bản Lồng khi phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ðó chỉ là một vài bản được khảo sát có tiềm năng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, kết nối, hình thành các chương trình du lịch đặc trưng của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Ðiện Biên. Còn nhiều địa chỉ khác tại các huyện: Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ… cũng đầy tiềm năng du lịch để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để “đánh thức” những tiềm năng đó không đơn giản. Trước hết là hệ thống giao thông đường bộ của Ðiện Biên bị ảnh hưởng bởi thời tiết và thiên tai nên xuống cấp nhanh chóng. Các xã vùng sâu, vùng xa giao thông còn đặc biệt khó khăn; cơ sở lưu trú còn tồn tại nhiều bất cập (quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở TP. Ðiện Biên Phủ, chưa có khách sạn cao cấp, cơ sở lưu trú tại các huyện còn hạn chế về số lượng và chất lượng). Cùng với đó, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống tại các huyện, thị xã còn tương đối hạn chế, chưa được quan tâm, phát triển. Hệ thống điểm dừng chân tại các huyện, thị xã hầu như hiện chưa có. Thực tế cung đường di chuyển giữa các tuyến, điểm du lịch tương đối xa và nhiều trục đường đang được nâng cấp, sửa chữa vì vậy xây dựng và phát triển hệ thống điểm dừng chân là yêu cầu cần thiết và là vấn đề thực tế đặt ra cho các địa phương cần giải quyết. Không những thế, các dịch vụ vui chơi giải trí đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhưng chất lượng các cơ sở vui chơi giải trí vẫn còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, vì vậy gặp khó khăn trong vấn đề kéo dài thời gian lưu trú của khách… Vậy nên, khi các bài toán khó khăn này được giải, những tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhà mới có thể biến thành sản phẩm thực tế, đưa vào phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top