Bí ẩn ngôi chùa lưu dấu ấn Đường Tăng trên đường thỉnh kinh

17:05 - Thứ Năm, 07/09/2023 Lượt xem: 8897 In bài viết

Tây Du Ký-tác phẩm kinh điển của nền văn học Trung Quốc cổ đại, cũng như bộ phim truyền hình dài tập cùng tên được chuyển thể từ tiểu thuyết này, sớm đã trở nên quen thuộc đối với người dân Trung Quốc và công chúng nhiều nước trên thế giới. Nhân vật Đường Tăng trong truyện và phim, ngoài đời thực là một vị cao tăng nổi tiếng, gắn liền với việc du nhập và truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc. Ngày nay, nhiều địa danh trên con đường "tây du thỉnh kinh" còn lưu dấu chân và những câu chuyện thú vị về nhân vật huyền thoại này.

Di tích chùa Tháp Nhĩ, nơi nhà sư Huyền Trang giảng kinh thuyết pháp và thu nhận đại đệ tử Thạch Bàn Đà.

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có cơ hội đến các địa phương dọc theo "hành lang Hà Tây"-tuyến đường giao thông huyết mạch chạy dọc theo hướng tây bắc-đông nam, nối liền vùng Trung Nguyên của Trung Quốc với Tây Vực, tức là khu vực Trung Á và Tây Á ngày nay. Nằm ở vị trí "yết hầu" của con đường Tơ lụa, hành lang Hà Tây là nơi chứng kiến quá trình trao đổi thương mại, giao thoa văn hóa, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu giữ đến tận ngày nay.

Ấn tượng nhất, có lẽ chính là những địa danh, gắn liền với hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký, như Cao Lão Trang, Lưu Sa Hà (đều ở huyện Lâm Trạch, thành phố Trương Dịch), Tây Lương Nữ Quốc (nay thuộc quận Lương Châu, thành phố Vũ Uy), hay những bức bích họa sinh động trong hang đá, chùa chiền ghi lại những câu chuyện về sự gian nan trong quá trình "tây du" để tìm kiếm chân kinh của vị cao tăng nhà Đường. Trong đó, di chỉ ngôi chùa Tháp Nhĩ, nằm trong tòa thành cổ Tỏa Dương ở huyện Qua Châu, đã vén tấm rèm bí ẩn về một khoảng thời gian "lánh nạn" và kết tình thầy trò với người được cho là nguyên mẫu lịch sử của Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Thành cổ Tỏa Dương, nằm giữa sa mạc Gobi ở độ cao 1.358m, có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến 13 sau Công Nguyên, là trung tâm của Qua Châu, một thành trì quan trọng trên hành lang Hà Tây. Trải qua hàng nghìn năm biến thiên của lịch sử, nơi đây đã trở nên hoang phế, chỉ còn lại những gò đất và những ngôi mộ cổ, giữa những cơn bão cát sa mạc.

Nằm cách trung tâm thành cổ Tỏa Dương 1,5km về phía đông là di chỉ chùa Tháp Nhĩ, một kiến trúc chùa chiền Phật giáo đặc trưng của thời kỳ Đường-Tây Hạ. Những gì còn lưu lại là khuôn viên bên ngoài với nền móng của 3 phía nam, bắc, tây và kiến trúc tự viện ở bên trong theo hướng nam-bắc, hình chữ nhật dài 85m, rộng 41m, với các hạng mục như đại điện, tháp lớn, tháp nhỏ, lầu chuông, trống được sắp xếp đối xứng nhau.

Chùa Tháp Nhĩ là một di tích quan trọng, phản ánh sự truyền bá và phát triển của Phật giáo ở khu vực hành lang Hà Tây trong thời kỳ Đường-Tây Hạ, là ngôi chùa nổi tiếng, gắn liền với việc giảng kinh thuyết pháp của nhà sư Huyền Trang trên con đường đi lấy kinh.

Trong thực tế, việc đi về hướng tây để tìm kiếm chân lý, giải đáp những thắc mắc về Phật pháp của Huyền Trang không được triều đình ủng hộ, nhà sư đành phải trà trộn vào đoàn người ăn xin trong nạn đói lúc đó, lén lút khởi hành từ thành Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây), dọc theo Con đường Tơ lụa, qua Tân Cương và vùng Trung Á, để đến thành Vương Xá thuộc nước Ma Kiệt Đà, miền trung Ấn Độ ngày nay.

Do không được triều đình cho phép, nhà sư Huyền Trang đã gặp phải không ít gian nan, trở ngại, thậm chí phải lẩn trốn khỏi sự truy lùng của quan binh trên đường đi. Chùa Tháp Nhĩ, chính là địa điểm mà ông "lánh nạn" trong thời gian hơn một tháng. Tại đây, nhà sư đã giảng kinh thuyết pháp, cảm hóa và thu nhận đại đệ tử tên là Thạch Bàn Đà, nguyên mẫu của nhân vật Tôn Ngộ Không.

Chuyện kể rằng, trong những buổi giảng kinh, nhà sư Huyền Trang thấy có một người ngày nào cũng đến chăm chú lắng nghe, thậm chí còn xúc động đến rơi lệ sau khi lĩnh hội được những đạo lý nhà Phật. Hỏi ra mới biết, đó là một người bản địa rất thông thạo ngôn ngữ và đường xá ở khu vực này.

Biết được ý định "tây du thỉnh kinh" của Huyền Trang, Thạch Bàn Đà rất cảm động và bày tỏ mong muốn trở thành đệ tử để đồng hành cùng nhà sư. Sau khi được thu nhận, Thạch Bàn Đà đã tặng cho thầy mình một con ngựa tốt; đồng thời, phát huy sở trường của mình để trở thành "trợ thủ đắc lực" giúp nhà sư Huyền Trang vượt qua các trở ngại, đến được nơi có chân lý Phật pháp mà mình kiếm tìm bấy lâu.

Ngày nay, ở Du Lâm- hệ thống hang động Phật giáo ở tỉnh Cam Túc, còn lưu giữ bức bích họa "Huyền Trang thỉnh kinh" có niên đại sớm hơn 300 năm so thời điểm ra đời "Tây Du Ký", với hình ảnh Đường Tăng và đệ tử Thạch Bàn Đà trong tạo hình một chú khỉ.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, Thạch Bàn Đà vốn là người Hồ (người dân tộc thiểu số ở miền bắc Trung Quốc lúc bấy giờ) với đặc điểm ngoại hình khác biệt, để râu tóc rậm rạp. Sau khi được nhà sư Huyền Trang nhận là đệ tử, Thạch Bàn Đà được gọi là "Hồ tăng" (gần âm với từ "hầu tôn"-con khỉ họ Tôn trong tiếng Hán). Đây có lẽ là nguồn gốc để mấy trăm năm sau, tác giả Ngô Thừa Ân xây dựng hình ảnh đại đệ tử của Đường Tăng là một chú khỉ với tên gọi Tôn Ngộ Không.

Tại chùa Tháp Nhĩ cũng như nhiều di tích hang động, chùa chiền trên hành lang Hà Tây, còn rất nhiều dấu tích và câu chuyện thú vị về vị cao tăng Huyền Trang cũng như con đường đầy gian nan, thử thách để tìm kiếm chân kinh, thúc đẩy du nhập và truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc, cũng như trao đổi, giao thoa văn hóa đông-tây; khiến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn và không kém phần kỳ bí đối với mỗi du khách Trung Quốc và quốc tế.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top