Sa Pa - từ trạm khí tượng đến khu du lịch quốc gia

10:54 - Thứ Ba, 03/10/2023 Lượt xem: 7168 In bài viết

Đối với du khách trong và ngoài nước, Sa Pa (Lào Cai) - một thị trấn nhỏ bé, thơ mộng luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Trải qua 120 năm kể từ lần đầu tiên người Pháp đặt chân đến cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả (năm 1903), vùng đất này đã được “đánh thức” với khởi nguồn là nơi đặt trạm khí tượng, sau đó là “kinh đô nghỉ mát mùa hè” của Bắc Kỳ và xứ Đông Dương. Hơn 1 thế kỷ trôi qua, ngày nay, Sa Pa đã trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia với hàng triệu lượt khách đến mỗi năm.

Thị xã Sa Pa mờ ảo trong sương.

“Kinh đô nghỉ mát mùa hè”

Sa Pa là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300km và nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Nơi đây sở hữu cảnh sắc hữu tình, khí hậu độc đáo với sự hội tụ đủ 4 mùa trong một ngày. Sa Pa được đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào năm 1903 và gây ấn tượng mạnh bởi một vùng núi non hùng vĩ dưới chân dãy Hoàng Liên với những sắc thái văn hóa độc đáo.

Người có công đưa Sa Pa từ một trạm khí tượng trở thành khu nghỉ dưỡng là Công sứ Pháp Toures. Nhận thấy Sa Pa có thể trở thành một “kinh đô nghỉ mát mùa hè” của Bắc Kỳ và xứ Đông Dương, ông đã đặt Sa Pa trong chương trình tổng thể về phát triển du lịch của toàn xứ Đông Dương. Từ năm 1912, hình hài Khu nghỉ dưỡng Sa Pa bắt đầu được kiến tạo. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng được thi công như tuyến đường bộ nối Lào Cai với Sa Pa, khu điều dưỡng Sa Pa, hệ thống bưu điện và bến xe khách, nhà thờ Sa Pa, thủy điện Cát Cát, mạng lưới điện thoại hữu tuyến nối Sa Pa với Hà Nội... Giai đoạn 1930 - 1940, hệ thống nhà nghỉ dân sự phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư mạnh, điển hình là khách sạn Chapa, khách sạn L’hotel Metropole cùng nhiều nhà nghỉ dưỡng dành cho công chức. Ngoài ra, ở Sa Pa còn có nhiều biệt thự của các thương gia giàu có. Tính đến năm 1943, Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự do người Pháp xây dựng, thực sự trở thành "kinh đô nghỉ mát mùa hè” của người Pháp cùng một bộ phận công chức, thương gia người Việt giàu có và là điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt.

Từ năm 1991, khi đất nước mở cửa hội nhập kinh tế, khách du lịch tới Sa Pa ngày càng đông. Năm 2017, thị xã Sa Pa được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Những năm gần đây, Sa Pa thường xuyên đón từ 2,5 - 3 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Kể từ sau dịch Covid-19, du lịch Sa Pa đã phục hồi nhanh chóng khi đón 2,5 triệu lượt khách năm 2022; năm 2023 dự kiến đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Với vẻ đẹp đặc trưng, quyến rũ, Sa Pa nhiều lần được các tổ chức, tạp chí du lịch quốc tế có uy tín như TripAdvisor, The Huffington Post, Travel Leisure, Lonely Planet... bình chọn là “điểm đến hàng đầu”, “điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam”. Nhiều du khách quốc tế còn lựa chọn nơi đây là “điểm nhất định phải đến một lần trong đời”.

Để Sa Pa là một “núi Alps” thứ hai

Sự hấp dẫn của thiên nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa đa dạng cùng nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí lớn đã khiến du lịch Sa Pa phát triển nhanh và “nóng” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo không ít hệ lụy như sự tăng trưởng quá nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, cảnh quan môi trường; quá trình đô thị hóa nhanh làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; du lịch cộng đồng phát triển ồ ạt và mang tính tự phát... Để thực hiện mục tiêu đưa Sa Pa trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan; phát triển du lịch phải dựa trên nguyên tắc đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và bảo đảm an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Với quan điểm coi Sa Pa là một “viên ngọc quý” cần được tăng giá trị để ngày một đẹp hơn, phát triển bền vững, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho rằng, Sa Pa cần thay đổi cách tiếp cận về giá trị sinh thái và văn hóa. Theo đó, cần tham khảo kinh nghiệm phát triển du lịch dãy núi Alps của các nước châu Âu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích du khách sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của người dân địa phương. Một hình thức du lịch phổ biến khác là du lịch chậm, khuyến khích du khách dành thời gian đi bộ và xe đạp trong vùng để trải nghiệm thiên nhiên và rèn luyện thân thể, đồng thời góp phần hạn chế áp lực của các phương tiện giao thông lên môi trường, cảnh quan. Bên cạnh đó, Sa Pa cần chú trọng đến công tác quản lý và giải quyết các vấn đề về tình trạng quá tải trong mùa cao điểm; phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao để phục vụ khách hàng cao cấp, không khuyến khích phát triển dòng khách du lịch đại trà làm hỏng điểm đến.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Sa Pa trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, tỉnh Lào Cai kiên định với giải pháp phát triển bền vững, đưa nơi này trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao “xanh”, thông minh hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, gắn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc với hệ thống sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top