Khơi “mỏ vàng” du lịch Halal

15:44 - Thứ Năm, 05/10/2023 Lượt xem: 7600 In bài viết

Với dân số theo đạo Hồi rất lớn, du lịch Halal (thị trường khách du lịch Hồi giáo) đang là thị trường tiềm năng lớn của ngành Du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam. Tận dụng "mỏ vàng" này, ngành Du lịch nước ta đã, đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để thu hút dòng du khách là người Hồi giáo.

Du khách Ấn Độ trải nghiệm biểu diễn ẩm thực Halal tại một nhà hàng ở tỉnh Quảng Ninh.

Tiềm năng lớn

Theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu, thị trường du lịch Halal của người Hồi giáo khá tiềm năng và sôi động, với nhu cầu ngày càng tăng của 2,1 tỷ người Hồi giáo (chiếm 23% dân số toàn cầu). Lượng khách du lịch Hồi giáo quốc tế ước tính tăng từ 108 triệu vào năm 2013 lên 160 triệu khách vào năm 2019 (trước dịch Covid-19). Dự báo đến năm 2030, chi tiêu cho du lịch từ thị trường này sẽ lên đến 341,1 tỷ USD/năm. Với tiềm năng này, nhiều năm nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Anh đang nỗ lực để thu hút du khách Hồi giáo, coi đây là thị trường để phục hồi và phát triển du lịch.

Tại Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, thị trường du lịch Halal tập trung đông ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương. Cụ thể là các quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Hồi đông là: Ả Rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhiều năm nay, du khách từ các quốc gia Hồi giáo đến Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh (tính riêng trong tháng 9-2023 tăng 240% so với cùng kỳ năm trước)... Khách từ các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia cũng tăng cao. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, thị trường Halal mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho Du lịch Việt Nam, là “mỏ vàng” có thể tạo nên sức bật cho ngành Du lịch.

Nhận định rõ tiềm năng từ thị trường Halal, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch khu vực Trung Đông, Nam Á. Không ít hội thảo về du lịch Halal được tổ chức tại các địa phương nhằm đưa ra giải pháp để thu hút thị trường này hiệu quả, bền vững. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang… đã lên kế hoạch đón khách Hồi giáo ở các quốc gia tiềm năng là Ấn Độ, Malaysia, Singapore…

Trong đó, Ấn Độ đang được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ trở thành một trong những thị trường lớn trên thế giới và là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam trong thời gian tới. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam xác định Ấn Độ là một thị trường tiềm năng ưu tiên hàng đầu, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến, thu hút khách.

Cần sự chuẩn bị chuyên nghiệp

Mặc dù thị trường Halal được đánh giá có thể tạo được “đòn bẩy” để phát triển du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, song nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn để có thể thu hút hiệu quả dòng khách này. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cơ sở vật chất, dịch vụ cho khách Hồi giáo tại Việt Nam còn thiếu. Ngoài ra, việc thiếu thông tin, hiểu biết và nhận thức về văn hóa Hồi giáo cũng đang là rào cản khiến nhiều địa phương, đơn vị du lịch chưa đón được dòng khách này.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần cho hay, việc khai thác thị trường du lịch Halal vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu hợp tác và liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp Halal. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu chứng nhận Halal cho các sản phẩm, dịch vụ, trong đó có ẩm thực.

Để khai thác hiệu quả thị trường giàu tiềm năng này, với kinh nghiệm là một người am hiểu thị trường Halal, Phó Giám đốc điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo Sunny Ghaiee cho rằng, các địa phương nên có các chương trình tập huấn về dịch vụ cho các nhà hàng, cơ sở lưu trú có khu vực ẩm thực dành riêng phục vụ khách theo đạo Hồi.

Còn theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, ngoài việc tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, các doanh nghiệp cần chú trọng khu vực Trung Đông, nơi tập trung du khách giàu có, chi tiêu cao. Để chinh phục dòng khách khó tính này, các địa phương nên chú trọng việc xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí; các sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng cần có tem chứng nhận được người Hồi giáo tin dùng...

Tại Hà Nội, thị trường du lịch Halal cũng được đánh giá mang đến nhiều lợi ích cho du lịch Thủ đô khi lượng khách Ấn Độ, Malaysia, Singapore tăng mạnh. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, nhiều khách sạn, nhà hàng đã có thực đơn riêng cho khách Halal bên cạnh thực đơn dành cho khách châu Âu và châu Á.

Sở Du lịch định hướng cho các cơ sở du lịch trong thời gian tới nên đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thân thiện với khách Hồi giáo; tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân sự; quan tâm hơn đến công tác quảng bá, xúc tiến thị trường Halal...

Theo HNM
Bình luận
Back To Top