“Lực đẩy” Du lịch Tây Bắc bứt phá

Bài 3: Dấu ấn bản sắc từ những điểm sáng

15:50 - Thứ Tư, 18/10/2023 Lượt xem: 6252 In bài viết

Một trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội cốt lõi đang được rất nhiều địa phương miền núi quan tâm, đó là bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Rất nhiều hoạt động bảo tồn, liên kết của các địa phương đang giúp cho bản sắc văn hóa các dân tộc có sức sống mới, mang đến lợi ích bền vững cho đồng bào.

Hồi sinh tiếng chiêng Mường

Giữa tháng 8, trời vẫn oi nóng. Bảo tàng Di sản văn hóa Mường nằm ở vị trí cao trong một khu dân cư ở phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình mở cửa từ sớm để đón khách. Sau đợt dịch Covid-19, khách đến với Hòa Bình còn thưa vắng, nhưng các điểm đến vẫn mở cửa để duy trì hoạt động. Bảo tàng Di sản văn hóa Mường không chỉ là điểm đón khách tham quan, mà còn là điểm truyền dạy văn hóa chiêng Mường cho đồng bào dân tộc Mường khắp nơi tìm về.

Bảo tàng Di sản văn hóa Mường có tổng diện tích 4.000m2, được thành lập và mở cửa phục vụ du khách từ năm 2014. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ hai ở tỉnh miền núi Hòa Bình và là bảo tàng tư nhân thứ 24 ở Việt Nam. Mặc dù không sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo tàng di sản văn hóa Mường chứa đựng những bộ sưu tập lớn, lưu giữ tất cả những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, là điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến Hòa Bình.

Người thực hiện sưu tập và quản lý Bảo tàng là nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thanh Bình. Ông hiện cũng là người đang nghiên cứu, truyền dạy các điệu chiêng Mường cổ. Trong hơn 30 năm công tác trong ngành du lịch, chứng kiến sự mai một về văn hóa, tập quán của dân tộc mình, ông Bình càng thêm trăn trở cần phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc mình.

Với trăn trở của người con xứ Mường, ông Bình đã lăn lộn, tìm kiếm, bỏ công sức và tiền bạc để đi đến hầu khắp các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình cũng như các tỉnh có người Mường sinh sống như Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ… để nghiên cứu, sưu tầm hiện vật còn sót lại. Sau rất nhiều năm xây dựng và sưu tập, hiện Bảo tàng có 6 ngôi nhà chính với hơn 6.000 hiện vật, đáng chú ý là bộ sưu tập chuyên đề về chiêng Mường, gồm các loại cồng chiêng, dòng chiêng Mường với tổng số trên 100 chiếc, trong đó có chiêng cổ đường kính 70cm…

Ông Bùi Thanh Bình hướng dẫn du khách cách thực hành chiêng Mường.

 

Cuộc sống hiện đại khiến nếp sống của người Mường đã khác đi. Nhiều thói quen sinh hoạt không còn. Nếu không có chiến lược giữ gìn, bảo tồn bài bản, văn hóa người Mường sẽ không còn.

Nhà văn hóa Bùi Thanh Bình

Theo nhà văn hóa Bùi Thanh Bình, cùng với các lễ hội, phong tục, tập quán thì chiêng Mường là hồn cốt trong đời sống tinh thần của người Mường. Phần lớn các lễ hội, người Mường đều biểu diễn chiêng. Khác với cồng Tây Nguyên, chiêng Mường có âm điệu và nhiều cách thức trình diễn.

Từng có thời, văn hóa chiêng Mường bị mai một do nhiều gia đình vì cuộc sống khốn khó đã bán chiêng để có tiền sinh hoạt. Cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình từng mất đi hàng nghìn chiếc chiêng quý. Không có chiêng, đồng bào cũng chẳng thể duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhiều năm gần đây, khi cuộc sống khấm khá, nhiều gia đình người Mường đã tìm mua lại chiêng, học cách trình diễn để giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ xưa của dân tộc mình.

Với vai trò là người nghiên cứu về chiêng Mường, cũng là giám khảo của nhiều liên hoan biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống tại Hòa Bình, ông Bùi Thanh Bình đã mở những lớp đào tạo, hướng dẫn biểu diễn chiêng Mường ngay tại Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy để cộng đồng người Mường không chỉ ở Hòa Bình, mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk về học, thực hành biểu diễn.

Du khách tìm hiểu các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Di sản văn hóa Mường.

Một ngày cuối hè, chúng tôi tình cờ gặp chị Lương Thị Tuyết cùng chị Dương Thị Tình và một số phụ nữ Mường ở thôn Khánh Trúc, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì lặn lội phi xe máy từ Hà Nội đến Bảo tàng Di sản văn hóa Mường để nhờ thầy Bùi Thanh Bình hướng dẫn thêm các điệu chiêng cổ. Chị Tuyết kể, vài năm trở lại đây, trong nỗ lực giữ gìn, phục hồi lại các giá trị văn hóa truyền thống, người Mường sống rải rác ở nhiều địa bàn Hà Nội như Khánh Thượng (Ba Vì), Tiến Xuân, Yên Bình (Thạch Thất), Đông Xuân, Phú Mãn (Quốc Oai)… có ý thức học lại các điệu chiêng cổ.

“Chiêng Mường là một nét văn hóa đặc trưng, thường được chúng tôi biểu diễn trong các lễ hội hoặc khi nhà có khách. Gần đây, chiêng Mường còn được biểu diễn phục vụ khách du lịch. Người Mường đang học cách gìn gìn, bảo tồn văn hóa của cha ông”, chị Tuyết tâm sự.

Trong hành trình khám phá văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại Hòa Bình, dễ dàng cảm nhận nỗ lực, cố gắng của từng địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc để làm nên bản sắc riêng của Hòa Bình. Các lễ hội chiêng Mường; Liên hoan trình diễn, trình tấu chiêng và hát dân ca, dân vũ dân tộc Mường được tổ chức sâu rộng trong toàn tỉnh Hòa Bình nhiều năm qua đã góp phần lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa, đồng thời, giúp nhanh chóng hồi sinh di sản chiêng Mường trong đời sống đương đại.

Liên kết để cùng tỏa sáng

Giống như người Mường, đồng bào dân tộc Thái ở các tỉnh Tây Bắc đang nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Thành công lớn nhất, đó là các tỉnh Tây Bắc đã làm sống lại điệu xòe Thái trong cuộc sống đương đại. Ngày 15-12-2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ cộng đồng người Thái ở Tây Bắc mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Du khách múa xòe Thái cùng bà con bản Mai Hịch.

Theo Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lường Thị Đại, Xòe Thái là một phần cơ sở để xác định bản sắc văn hóa của tộc người Thái. Điệu Xòe gắn bó với đời sống tinh thần của người Thái, gần như có mặt ở các lễ hội như cúng mường, cúng bản, tạ ơn, cầu mưa, xuống đồng... Người phụ nữ Thái trong trang phục áo cóm hòa cùng âm nhạc của tính tẩu, kèn loa, khèn, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp kết hợp những âm thanh đặc biệt phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của họ đã tạo nên một không gian trình diễn vô cùng hấp dẫn, say đắm lòng người.

Hiện nay, để bảo tồn, phát huy tốt nhất Di sản phi vật thể Xòe Thái, các tỉnh Tây Bắc đã liên kết tổ chức nhiều sự kiện, liên hoan, trình diễn cộng đồng để người Thái ở các địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống. Một số nơi đã xây dựng múa Xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, tổ chức thi múa Xòe trong các chương trình nghệ thuật lớn của các tỉnh vùng Tây Bắc như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc; Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La; Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò (Yên Bái); Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Lai Châu; Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu); Lễ hội hoa Ban (Điện Biên)... Các địa phương Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên... tổ chức Liên hoan Xòe Thái hằng năm để không chỉ phát huy giá trị di sản dân tộc, mà còn đưa Xòe Thái trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tại Hòa Bình, người Thái là dân tộc có số dân đông thứ 2 (sau người Mường) sống rải rác trên địa bàn, tập trung đông ở huyện Mai Châu. Người Thái ở đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống, thường xuyên tổ chức ngày hội Xòe tại các bản du lịch như bản Văn, bản Pom Cọong, bản Lác, bản Mai Hịch… làm say lòng du khách.

Bà con tại bản không chỉ biểu diễn xòe Thái trong các ngày hội của mình mà còn thường xuyên biểu diễn, phục vụ khách du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn bà con làm homestay phát triển du lịch cộng đồng, địa phương luôn quan tâm, khuyến khích bà con giữ gìn bản sắc, bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống, trong đó có Xòe Thái.

“Bà con tại bản không chỉ biểu diễn xòe Thái trong các ngày hội của mình, mà còn thường xuyên biểu diễn, phục vụ khách du lịch. Rất nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích các hoạt động biểu diễn này, họ còn hào hứng tham gia cùng. Giữ gìn bản sắc văn hóa cũng là một trong những yếu tố níu chân du khách”, ông Hoàng Đức Minh bày tỏ.

Khách nước ngoài thích thú mặc trang phục người Thái tại bản Mai Hịch.

Carina - một du khách Italia trong hành trình khám phá, du lịch Tây Bắc cùng nhóm bạn đã có một đêm nghỉ lại homestay ở Mai Hịch. Sau bữa tối, cô cùng các bạn mặc trang phục dân tộc của người Thái, tham gia biểu diễn múa xòe, nhảy sạp, uống rượu cần.

“Thật là tuyệt vời! Tôi rất thích mặc trang phục dân tộc và hòa cùng người dân múa các điệu dân gian. Tôi cảm nhận được sự thân tình, mến khách của những người dân ở đây”, Carina chia sẻ cảm xúc về buổi tối trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình.

Câu chuyện về giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung đang góp phần tạo nên nhiều giá trị to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch ở các địa phương. Cùng với nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa, cộng đồng các dân tộc còn cố gắng liên kết để tạo được sức mạnh đoàn kết.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai có hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu của người dân; hơn 40 làng, bản, ấp truyền thống của 30 dân tộc ở các tỉnh đại diện cho các vùng trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn kết hợp phát triển du lịch. Bộ đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Cao Bằng... tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng dân tộc thiểu số.

Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bài 1: Từ “cửa ngõ Tây Bắc”

Bài 2: Sức mạnh nội sinh từ văn hóa dân tộc

Theo HNM
Bình luận
Back To Top