“Lực đẩy” Du lịch Tây Bắc bứt phá

Bài 5: Khơi nguồn sức mạnh cộng đồng

09:55 - Thứ Hai, 23/10/2023 Lượt xem: 6175 In bài viết

Làm thế nào để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả, qua đó phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở vùng cao là câu chuyện dài

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng tạo thành sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch, là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Đó cũng là một trong những nội dung lớn trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 22-1-2020. Chiến lược này đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ, trong đó có khu vực Tây Bắc.

Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả để làm sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở vùng cao là câu chuyện dài, cần hướng đi bài bản và mạnh mẽ, sự đoàn kết, chia sẻ của các địa phương.

Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, văn hóa để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho các địa phương miền núi, trong đó có Tây Bắc.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, đó là phương châm hành động để có thể đạt được những kết quả, thành tựu bền vững. Tỉnh Hòa Bình đang cùng với Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc và nhiều địa phương lân cận nỗ lực tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, có tính kết nối cao để hoạt động du lịch đạt được hiệu quả hơn.

Trong kế hoạch phát triển du lịch Hòa Bình thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hòa Bình cũng có kế hoạch tạo sản phẩm du lịch liên kết vùng. Hiện Hòa Bình đã xây dựng kết nối tour du lịch giữa huyện Lạc Sơn và Kim Bôi để tăng trải nghiệm cho khách. Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đã có những dự án quan trọng để kết nối du lịch. Điển hình là tháng 5-2023, dự án cáp treo Hương Bình với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, nối chùa Tiên (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) sang chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã được khởi công ở đầu Hòa Bình. Tuyến cáp treo dài 3km sẽ là tuyến kết nối du lịch tâm linh giữa hai địa phương.

Ngoài liên kết vùng, Hòa Bình đang cùng các địa phương tăng cường hợp tác trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó tập trung triển khai kế hoạch xây dựng, bảo tồn “nền văn hóa Hòa Bình”, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Trong kế hoạch, Hòa Bình sẽ xây dựng nhà trưng bày các di chỉ nền văn hóa Hòa Bình để giữ gìn và bảo tồn những di sản quý.

Hòa Bình đang phối hợp với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắc Lắk, Thanh Hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất phối hợp xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường, đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hy vọng, những liên kết di sản này sẽ giúp cho các tỉnh Tây Bắc tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn.

Tháng 3-2021, khi du lịch còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội Lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen và Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra mắt sản phẩm caravan (tự lái xe trải nghiệm) khám phá các tỉnh Tây Bắc. Điểm nhấn của hành trình caravan từ Hà Nội xuyên các tỉnh Tây Bắc là điểm dừng chân ở Hòa Bình, khám phá di chỉ khảo cổ - hang Xóm Trại và văn hóa dân tộc Mường.

Tại đây, du khách tự tay làm các bộ trang phục bằng lá và đeo mặt nạ mô phỏng hình ảnh trong hang động của người xưa. Thành công của tour du lịch caravan ở thời điểm đó nhờ sự “bắt tay”, liên kết của các địa phương để tạo nên một cung đường trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa.

Sản phẩm tour Canaval khám phá Tây Bắc, trong đó điểm dừng chân là di chỉ khảo cổ - hang Xóm Trại và văn hóa dân tộc Mường (Hòa Bình).

Sau dịch Covid-19, những sản phẩm du lịch văn hóa có tính liên kết đang ít dần, chủ yếu các địa phương tự khai thác thế mạnh của mình. Tây Bắc có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên dồi dào nhưng tính kết nối đang rất thấp, nên việc thu hút dòng khách ở thị trường xa còn hạn chế. Để du lịch bền vững, người dân sống ổn định nhờ du lịch, dịch vụ thì địa phương cần hỗ trợ người dân khâu quảng bá.

Hiện nay, du khách miền Nam rất thích du lịch Đông - Tây Bắc. Ngoài “đặc sản” mùa lúa chín với cảnh sắc tuyệt đẹp của ruộng bậc thang thì nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi đang là “đặc sản” hấp dẫn du khách phương xa. Các địa phương nên có sự liên kết chặt chẽ hơn với các đơn vị lữ hành để xây dựng các tuyến du lịch hấp dẫn, khai thác tối đa bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương, đưa khách từ các miền Nam, miền Trung đến nhiều hơn.

Việc thu hút du khách đến với Tây Bắc cần phải được thực hiện tốt ngay từ vị trí “cửa ngõ”, đó là Hòa Bình. Được coi là” thủ phủ” của dân tộc Mường với các di tích lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng, ẩm thực lâu đời, Hòa Bình với vị trí thuận lợi hoàn toàn có thể tạo ra giá trị lớn về du lịch cho vùng Tây Bắc. Thực tế hiện nay, du khách đi đến Hòa Bình chỉ là dừng để nghỉ chân, ít ở lại lưu trú, đặc biệt là khách đoàn đông. Đó là điều rất đáng tiếc!

Tôi cho rằng, Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung có thể cùng liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Bên cạnh tuyến du lịch đang được các đơn vị khai thác mạnh là tour Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, các địa phương cần xây dựng thêm các tour du lịch mới dựa vào lợi thế bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, trong đó nên chú trọng văn hóa Mường. Chẳng hạn, có thể xây dựng tour du lịch tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống tại cộng đồng người Mường đang sinh sống; tour du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên và xem biểu diễn thực cảnh văn hóa Mường xưa; tour du lịch ẩm thực Mường... Điều quan trọng là Hòa Bình phải có chính sách quy hoạch, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường cũng như các dân tộc khác bài bản, bền vững; định hướng cho cộng đồng dân tộc chuyển hướng kinh tế hiệu quả.

Mây và lúa tại Y Tý (Lào Cai).

Vườn chè mùa xuân tại Mộc Châu, Sơn La.

Xuân trên bản làng (Vân Hồ, Mộc Châu).

Đèo Ô Quy Hồ, Sa Pa, Lào Cai.

Đồi chè Ô Long (Sa Pa, Lào Cai).

Hoa mận Mộc Châu (Sơn La).

Ngoài ra, Hòa Bình nên mở rộng liên kết với Hà Nội xây dựng chuỗi giá trị liên hoàn, khai thác văn hóa Mường của hai vùng một cách hiệu quả. Hiện nay, cộng đồng dân tộc Mường ở các huyện Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì rất phát triển, nếu hợp tác tốt thì đây sẽ là sản phẩm liên kết độc đáo của Tây Bắc và Thủ đô. Để làm được điều đó, theo tôi, Hòa Bình và Hà Nội có thể phối hợp các chương trình bảo tồn di sản văn hóa Mường; chung sức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện.

Ngoài ra, Hòa Bình nên đầu tư thêm hạ tầng, lưu trú để thu hút khách từ thị trường khách du lịch lớn như Hà Nội đến tham quan, nghỉ dưỡng cuối tuần hay du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, sự kiện).

Tôi đã tham gia nhiều dự án của các tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương và thấy rằng, các chuyên gia nước ngoài khi quyết định hỗ trợ cho các dự án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam luôn có các chuyến khảo sát rất nghiêm túc. Không phải bản dân tộc thiểu số nào cũng có thể phát triển thành bản du lịch cộng đồng, mà cần phải dựa vào các điều kiện về tự nhiên, bản sắc văn hóa, tính cố kết cộng đồng của người dân bản địa.

Điều đó để thấy rằng, vai trò quản lý của các địa phương rất quan trọng. Địa phương cần có quy hoạch từng khu vực để phát triển du lịch dựa trên khảo sát, đánh giá thực tế về điều kiện, khả năng và nhu cầu của người dân. Để làm du lịch cộng đồng, yếu tố bản sắc văn hóa đóng vai trò quan trọng, đó cũng là cơ sở để có thể tạo ra những giá trị riêng, thu hút du khách. Hiện nay, rất nhiều nơi đang bị bê tông hóa, mất bản sắc, vì thế, các địa phương cần đầu tư tập trung, từng bước khôi phục bản sắc dân tộc từng thôn, bản; tuyên truyền người dân giữ bản sắc văn hóa; có chính sách đầu tư rõ ràng, trong đó cần có định hướng đầu tư, chẳng hạn như xây các công trình phục vụ du lịch phải tuân thủ việc tôn trọng cảnh quan của thôn, bản, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phù hợp với nếp sinh hoạt người dân, tránh việc đầu tư ồ ạt, dàn trải phá vỡ cảnh quan, bê tông hóa các công trình.

Bên cạnh đó, khi xây các bản du lịch cộng đồng, cần phát huy vai trò của người đứng đầu, như trưởng bản, trưởng làng để kêu gọi và phát huy được sức mạnh cộng đồng dân cư. Ở rất nhiều tỉnh Tây Bắc, các bản du lịch cộng đồng thành công vì người trưởng bản rất có tiếng nói, có thể kêu gọi cộng đồng dân tộc cùng tham gia, hưởng ứng.

Việc phát triển du lịch ở Hoà Bình sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và văn hóa của tỉnh, mà còn mang lại lợi ích cho toàn khu vực Tây Bắc. Vì thế, việc liên kết chặt chẽ giữa Hòa Bình và các tỉnh sẽ tạo nên sức mạnh kinh tế cho toàn vùng.

Thẳng thắn nhìn nhận thì du lịch cộng đồng Hòa Bình nói riêng và nhiều tỉnh Tây Bắc nói chung đã có một số mô hình thành công cũng như một số mô hình chưa thành công do thiếu kỹ năng quản lý và tiếp thị du lịch. Việc phát triển du lịch cộng đồng gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm và sự phối hợp giữa các cấp quản lý và cộng đồng địa phương cũng như do việc nhiều nơi đang mất dần bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay, việc phát triển các sản phẩm từ sinh kế và văn hóa bản địa đã được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, chẳng hạn các sản phẩm từ thổ cẩm, ẩm thực bản địa... Vì thế, các địa phương cần tăng cường kết nối giữa nguồn cung và cầu, đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thị và quảng bá các sản phẩm này đến khách du lịch.

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, từ đó tạo thành lực đẩy để Tây Bắc bứt phá, các địa phương cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất du lịch để thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, thu hút du khách thông qua các kênh truyền thông, sự kiện và hợp tác với các công ty du lịch và đối tác quốc tế; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch; bảo đảm đồng bộ giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương...

Bài 1: Từ “cửa ngõ Tây Bắc”

Bài 2: Sức mạnh nội sinh từ văn hóa dân tộc

Bài 3: Dấu ấn bản sắc từ những điểm sáng

Bài 4: Vươn lên trong gian khó

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top