Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Khai thác tối ưu và có hiệu quả các nguồn nhân lực

10:18 - Thứ Tư, 25/10/2023 Lượt xem: 5573 In bài viết

Việc phát triển bất cứ một sản phẩm, loại hình du lịch nào cũng cần có nguồn lực, và du lịch chăm sóc sức khỏe không nằm ngoài quy luật đó. Nguồn lực được nhìn nhận, vận dụng ở nhiều khía cạnh.

Nếu vận dụng đúng, các sản phẩm, mô hình mới sẽ phát triển nhanh chóng dựa trên nền tảng nguồn lực ấy. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại một số ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp lữ hành trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Huy động các nguồn lực, có chiến lược sử dụng lâu dài

Nguồn lực cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe bao gồm các yếu tố chung là tài nguyên, nguồn nhân lực, cùng với nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và nguồn lực “mềm” là các thể chế, chính sách... Tuy nhiên, tất cả các nguồn lực này đều mang tính hữu hạn, thậm chí có những nguồn lực đang ở mức suy giảm và khan hiếm. Nếu không có chiến lược sử dụng lâu dài thì chỉ một thời gian ngắn nữa, nguồn lực tài nguyên du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ cạn kiệt. Vì thế, việc huy động nguồn lực là nhằm “đánh thức” tiềm năng bị bỏ quên, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực để khai thác tối ưu (chứ không phải tối đa) và có hiệu quả loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Do đó, khi thực hiện quy hoạch, chiến lược, dự án du lịch chăm sóc sức khỏe tại điểm đến, chính quyền địa phương cần tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của người dân địa phương; xử lý hài hòa quan điểm của người dân với các hoạt động phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và công nghệ

Trước xu hướng phát triển nhanh chóng của du lịch chăm sóc sức khỏe trên thế giới, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm và mô hình của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó là các giải pháp căn cơ và chiến lược như phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du lịch chăm sóc sức khỏe.

Nguồn nhân lực tham gia loại hình này đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức chuyên môn sâu về sức khỏe, cơ thể con người, phải được trang bị kiến thức về y dược. Cần tổ chức đào tạo, nâng cao cả chất và lượng đối với nhân lực du lịch chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó là đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại, chất lượng cao phục vụ du lịch chăm sóc sức khỏe tại điểm đến ở các địa phương, hình thành các trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe.

Các công nghệ mới, hiện đại trong chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, các công nghệ trong chế biến dược liệu, ẩm thực, thực hành tập luyện thể dục thể thao, công nghệ làm đẹp, chăm sóc da... cần được áp dụng và phổ biến tại các điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe.

Thạc sĩ Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam:
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá

Một trong những giải pháp hiệu quả để thu hút dòng khách sử dụng dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe chính là xúc tiến, quảng bá ở trong nước và nước ngoài thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các website du lịch...

Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, như phát triển ứng dụng thông minh trong quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và các hướng dẫn du lịch trên thiết bị di động; phát triển đồng bộ công cụ xúc tiến du lịch trên các website du lịch chính thức và mạng xã hội về các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp với việc quảng bá các điểm tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe hay các chính sách thu hút dự án đầu tư phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại các địa phương...

Cần xây dựng Bộ công cụ nhận diện thương hiệu cho du lịch chăm sóc sức khỏe, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ thiết kế logo, bao bì sản phẩm, slogan (khẩu hiệu) cho tới ấn phẩm quảng cáo để ngày càng có nhiều người biết tới loại hình du lịch này.

Tiến sĩ Lê Thu Hương, giảng viên chính khoa Quản lý xã hội (Học viện Hành chính Quốc gia):
Những trải nghiệm tích cực sẽ giúp du khách phục hồi sức khỏe

Các điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe phải cung cấp dịch vụ tham quan và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, đồng thời cũng cần cung cấp nhiều sản phẩm giải trí lành mạnh hơn bởi du khách có thể tăng cường khả năng miễn dịch với bệnh tật thông qua các hoạt động thể chất giúp giải phóng tinh thần và loại bỏ áp lực cuộc sống. Rõ ràng, bằng cách phát huy lợi thế của môi trường và tài nguyên địa phương, các điểm đến du lịch lành mạnh có thể cung cấp các hoạt động giải trí năng động, kết hợp các nguồn lực y tế và sức khỏe để tạo ra sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả cao. Cách tiếp cận đồng thời này mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm tích cực và khả năng phục hồi sức khỏe thành công.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top