Vấn đề kỳ này

Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

09:19 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 5900 In bài viết

ĐBP - Du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đã và đang mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn...

Du khách nước ngoài trải nghiệm khèn Mông. Ảnh: Trần Dũng

Ghi nhận tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ - nơi có mô hình du lịch cộng đồng đang được đầu tư, khai thác đúng hướng, phát huy tốt hiệu quả. Vài năm gần đây, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả du khách nước ngoài biết đến Nà Sự nhiều hơn nhờ mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc Thái. Từ mô hình này đã hình thành, kết nối một số tour, tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ như, trải nghiệm vườn bí xanh, mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng… tại 2 huyện Nậm Pồ, Mường Nhé.

Tại các huyện: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng… có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp trồng dâu tây, hoa hồng kết hợp câu cá, chăm sóc vườn hoa, con đường hoa; du lịch kết hợp ẩm thực, ngắm vườn đào cổ của nhà văn Nguyễn Ðức Lợi tại xã Ẳng Tở... Ðiện Biên hiện có 44 nghề và làng nghề truyền thống của 19 dân tộc. Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi tất yếu của tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài thế mạnh về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, gần đây, nhiều hộ dân, cộng đồng dân cư của tỉnh phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng. Với loại hình du lịch mới này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... 

Theo lãnh đạo xã Chà Nưa, kể từ khi hình thành mô hình du lịch cộng đồng kết hợp theo tour, tuyến hay xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng, đã từng bước làm thay đổi bộ mặt địa phương. Tại đây, hệ thống kết cấu hạ tầng, điện chiếu sáng, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ nét văn hóa truyền thống được triển khai một cách đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang, sạch đẹp hơn.

Lợi ích kép trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng là điều không thể phủ nhận. Làm du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi trở nên tự tin, năng động hơn; thu nhập cũng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết của chính quyền địa phương và nhân dân về văn hoá xã hội, tiếp cận và học hỏi được những kinh nghiệm, thành tựu kinh tế, cách thức phục vụ khách du lịch của các địa phương khác.

Thực tế chứng minh, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng, làng xã được khôi phục, mở mang. Cùng với đó là nông - lâm - thủy sản, ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP... hình thành chuỗi sản phẩm khác biệt, tạo điểm nhấn đặc biệt trên hành trình du lịch trải nghiệm.

Khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm là huy động các nguồn lực để nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Khảo sát, lựa chọn các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù của mỗi địa phương và lựa chọn các chủ thể tham gia liên kết phát triển du lịch.

Ðể nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung thay đổi tư duy làm du lịch theo hướng bền vững. Ðồng thời, phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cần rà soát lại các chính sách của tỉnh, địa phương nhằm bảo đảm việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn phù hợp để tạo dấu ấn riêng biệt trong phát triển du lịch; tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch...

Với việc xác định đúng hướng đi, thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, tin rằng tương lai không xa, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch công đồng tỉnh Ðiện Biên sẽ phát triển mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top