Trên đỉnh Ngải Thầu

09:36 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 7735 In bài viết

ĐBP - Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Ngải Thầu không phải là dãy núi lớn nhất ở huyện biên giới Nậm Pồ. Song nhìn trên bản đồ đây lại là điểm nhô ra xa nhất trên đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào của huyện. Với vị trí “đắc địa” như vậy nên mặc dù không thuận lợi về giao thông song vài năm gần đây, Ngải Thầu đang là điểm đến hấp dẫn “hút” khách thập phương ngược thăm biên giới.

Ðỉnh Ngải Thầu nhìn từ trên cao. Ảnh: C.T.V

Mây mù chắn lối

Ngải Thầu theo tiếng địa phương nghĩa là “chân tảng đá”. Ðường từ trung tâm xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) lên đến đỉnh Ngải Thầu chừng 6km, trong đó có khoảng 4km đã được bê tông hóa. Ngày nắng có thể đi xe máy lên tận đỉnh. Vào những ngày mưa hoặc với du khách muốn thưởng thức trọn cảnh đẹp ở đây, thì việc cuốc bộ gần 2km trên con đường đất vắt ngang sườn đồi cũng là trải nghiệm vô cùng thú vị.

Suốt hành trình ngược núi, tôi cùng nhóm du lịch của bạn Trần Bình từ Hà Nội lên Ngải Thầu được đắm mình trong cảm giác se lạnh giữa “biển mây” bồng bềnh. Càng lên cao, những đám mây sà xuống càng nhiều. Mây mù đặc quánh khiến tầm nhìn giảm xuống tối đa. Trong màn sương mờ ảo ấy chốc chốc lại thấp thoáng sắc phục xanh, đỏ của các cô gái dân tộc. Ðây là địa bàn sinh sống của 100% đồng bào Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng rất hồn hậu, hiếu khách.

Vừa đến đỉnh, cả đoàn phải ngỡ ngàng với khung cảnh hiện ra trước mắt. Dãy Ngải Thầu như mũi đá “đục thủng” tầng mây để lộ cả một vùng thung lũng mênh mông như được dát vàng bởi những thửa ruộng bậc thang đang kỳ lúa chín trải dài. Ðó là khu vực sinh sống, canh tác của bà con các dân tộc thuộc nhiều xã ở biên giới Nậm Pồ: Nà Bủng, Vàng Ðán, Nậm Chua.

Trần Bình là người đam mê chụp ảnh lần đầu lên Ngải Thầu. Anh mải mê thu vào ống kính của mình những khung cảnh ấn tượng nhất. Bình tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đặt chân đến các vùng tương tự của Tây Bắc nhưng bây giờ mới biết đến “mũi đá” Ngải Thầu này. Phải nói là đường đi khá xa, nhưng cơ bản đều được trải nhựa, bê tông khá thuận lợi. Ðến nơi rồi mới thấy không lãng phí thời gian, công sức. Từ trên đỉnh nhìn xuống, cả thung lũng như một “background” - (hình nền) khổng lồ tuyệt đẹp. Chắc chắn những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại chuyến đi này sẽ có sức hút đặc biệt với những người đam mê chụp ảnh và du lịch”.

Du khách chụp ảnh trên đỉnh Ngải Thầu. Ảnh: C.T.V

Manh nha phát triển du lịch

Con đường bê tông rộng và nhẵn mịn “sáng” lên trong nắng sớm, như dải lụa vắt ngang sườn núi chênh vênh lên bản Ngải Thầu 1. Theo lời kể của Trưởng bản Hờ A Chừ, thì trước đây khi chưa có điện lưới, sóng viễn thông, nơi này như một ốc đảo lạnh, trơ trụi và khô khát trên đỉnh núi hiểm trở, đầy bí ẩn. Chỉ những chàng trai người Mông chân cứng như gỗ lim, tay lái dẻo như kị sĩ đua ngựa mới dám cưỡi xe Win 100, máy khỏe, gầm cao vượt dốc lên đỉnh. Nhưng hơn 160 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu đồng bào Mông ở đây vẫn kiên gan bám trụ, chân đạp đá, đầu đội mây, hứng gió Lào khô cằn để sinh sống, lập thành bản giữ đất đai biên giới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới như luồng gió mát lành thổi tới, tiếp thêm sinh lực cho người dân nơi đây “chắc tay, vững chân” xây dựng bản làng no ấm. “Cách đây chừng 4 - 5 năm, khi bắt đầu phủ sóng điện thoại, có điện lưới, người dân mới biết đến công nghệ. Một số người chụp ảnh trên đỉnh Ngải Thầu rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Từ đó, nhiều người biết, thấy đẹp nên đã kéo nhau tìm đến tham quan, chụp ảnh. Mới đầu chỉ là người trong xã, trong huyện rồi sau này nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành khác cũng tới thăm. Họ không chỉ lên đỉnh chụp ảnh mà còn tham quan, trải nghiệm cuộc sống của bà con trong bản.” - trưởng bản Chừ cho biết.

Cũng theo chia sẻ của trưởng bản Chừ, thì có 2 thời điểm Ngải Thầu đẹp nhất và hút khách nhất, đó là tầm tháng 9 - 10 và dịp Tết Nguyên đán. Tháng 9 là mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang bắt đầu ngả vàng rất đẹp. Còn vào dịp Tết Nguyên đán thì các loài hoa rừng đua nhau bung nở, hòa quyện cùng sắc phục của bà con các dân tộc tạo thành bức tranh đầy ấn tượng. Cũng từ những nhu cầu trải nghiệm của du khách, bà con ở Ngải Thầu 1 đã bắt đầu biết kinh doanh một số dịch vụ, như: Bán hàng; dựng lều, lán cho khách nghỉ; thậm chí là nấu ăn phục vụ khách bằng những sản vật địa phương do bà con tự nuôi trồng.

Bản Ngải Thầu 1 có khoảng 70% hộ nghèo, song gần như không còn hộ đói. Ða phần bà con vẫn bám đất lao động, sản xuất ngô, lúa đủ ăn. Nhiều hộ tận dụng diện tích đồng cỏ tự nhiên để chăn nuôi đại gia súc. Ngày thường, bà con tập trung lao động, sản xuất. Vào mỗi dịp nghỉ lễ, du khách về đông thì có khoảng 20 hộ chuyển sang kinh doanh các loại dịch vụ theo kiểu thời vụ, đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Tuy nhiên, tất cả đều mang tính tự phát nên chưa được bài bản và quy củ.

Ông Cháng A Chữ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bủng cho biết: Thực tế vài năm trở lại đây cho thấy, đỉnh Ngải Thầu rất có tiềm năng để phát triển du lịch. Có thời điểm, nơi đây thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã cho khảo sát, đề nghị ngành Văn hóa xem xét để có định hướng phát triển. Trước mắt, xã giao cho cộng đồng dân cư bản Ngải Thầu 1 quản lý, khai thác. Bà con trong bản được tuyên truyền và cũng hiểu được giá trị của điểm du lịch này nên rất có ý thức bảo vệ. Hàng tháng, bản đều bố trí lực lượng phát quang, khai thông tuyến đường dẫn lên đỉnh.

“Ở Ngải Thầu, mọi thứ hiện nay đều còn hoang sơ. Chính vì thế mà nhiều du khách khi đặt chân tới đây đều bày tỏ sự thích thú, háo hức. Chúng tôi sẽ cố gắng để giữ được vẻ đẹp đó. Mong rằng thời gian tới nơi này sẽ được quan tâm hơn trong việc quảng bá và định hướng phát triển. Ðặc biệt là việc hướng dẫn, tập huấn cho bà con để làm sao biết cách làm du lịch, phục vụ tốt hơn nhu cầu khách tới tham quan” - ông Chữ bộc bạch.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top