Biểu diễn thực cảnh và trọng trách "nâng cánh" Du lịch Việt

09:40 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 5735 In bài viết

Bản sắc văn hoá của một quốc gia chính là nền tảng tạo ra những sản phẩm đặc trưng để hấp dẫn khách du lịch. Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh để xây dựng thương hiệu du lịch Việt có chiều sâu, có nội dung, có nội hàm, tạo sự khác biệt trong mắt du khách quốc tế.

Sân khấu của show diễn thực cảnh Ký ức Hội An (Ảnh: Hội An Memories land)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó xác định một trong những mục tiêu quan trọng là thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Để triển khai Nghị quyết này, việc khai thác, xây dựng những điểm du lịch Việt Nam "có nội hàm", nhằm chuyển tải được lịch sử, văn hoá Việt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm mới những sản phẩm hiện tại và xây dựng mới những sản phẩm du lịch văn hóa, định vị lại du lịch Việt Nam.

Mỗi địa phương lại có những nét văn hóa, những mốc son lịch sử riêng, mỗi nơi "địa linh nhân kiệt" sẽ sinh ra những anh hùng khác nhau. Những chi tiết như vậy nếu được khai thác, dàn dựng tái hiện lại tỉ mỉ, công phu thì du lịch Việt Nam sẽ độc đáo và có điểm nhấn.

"Biểu diễn thực cảnh" tại những điểm đến du lịch lớn sẽ gánh vác một phần trọng trách này.

Theo số liệu mới nhất, trong tháng 10/2023, Việt Nam đã đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 10 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, vượt xa kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Căn cứ tình hình thực tế, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12-13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững.

Bước đầu tiên là khai thác cốt truyện lịch sử. Dựa trên nghiên cứu chi tiết về nền tảng lịch sử và văn hóa độc đáo của mỗi vùng, địa phương, cần lựa chọn một hoặc một vài địa điểm nổi tiếng nhất về du lịch để xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh hoặc biểu diễn tái hiện lại lịch sử, tạo một điểm "check-in" mới, ví dụ như Hà Nội xưa, Sài Gòn xưa, Việt Nam xưa, hành trình về cội nguồn, về với Miền Tây, đến với Đông Nam Bộ, đường lên Tây Bắc, miền Tây sông nước, khám phá cao nguyên…

Bước hai, nghiên cứu, thực thi tái hiện lại những điểm nhấn về lịch sử, văn hóa theo "phương thức hoàn nguyên": Chúng ta có thể lấy danh lam thắng cảnh nổi tiếng của địa phương làm nền, sau đó xây dựng sân khấu và lồng ghép với phong cảnh chế tác, tái hiện lại khéo léo cuộc sống ngày xưa, câu chuyện lịch sử hay có thể đưa vào cả nhân vật truyền thuyết…. Tất cả những điểm nhấn về văn hóa, lịch sử được tái hiện sống động, trực tiếp.

Ví dụ, với vùng Đông Nam Bộ (Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước…), chúng ta có thể khai thác sản phẩm du lịch mới bằng cách tái hiện lại lịch sử liên quan đến cây cao su (được mệnh danh là "vàng trắng" của Việt Nam ta). Theo đó, tái hiện lại những ngày tháng dưới chế độ thực dân "cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo", cho tới truyền thống "Phú Riềng đỏ" - một trong những chiếc nôi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam… và cuộc sống hiện nay của người dân hằng đêm vẫn cần cù, chăm chỉ bên những cây cao su với đời sống ngày càng cải thiện. Thế hệ trẻ sau khi đến địa bàn này, ngoài việc biết thêm loài cây đặc trưng của miền Đông Nam Bộ, còn rõ hơn quá trình lịch sử hào hùng và niềm tự hào cùng tấm lòng tri ân với bao lớp cha anh nằm xuống để đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay.

Hay như tại Đà Lạt, thành phố du lịch có thể nghiên cứu xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh, tái hiện một địa bàn từ thời phong kiến đến hiện tại. Sẽ có hình ảnh năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra Đà Lạt, sau đó đề nghị với Toàn quyền Đông Dương chọn làm địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng; sẽ có hình ảnh dinh Đà Lạt từng được Vua Bảo Đại sử dụng… Và đến nay, Đà Lạt trở nên nổi tiếng là nơi nghỉ dưỡng thơ mộng với nông sản, du lịch, với hình ảnh người dân cởi mở, thân thiện, mến khách sẵn lòng đón khách thập phương…

Bước ba là nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án, tìm nhà đầu tư, cùng các chính sách hỗ trợ phù hợp, tìm được những nhà đầu tư chất lượng, những người làm nghệ thuật, làm du lịch, làm kinh doanh thật sự có tâm và có tầm.

Trên thực tế, tại các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan…, những show diễn văn hóa đều được đầu tư rất công phu, góp phần tăng thời gian lưu trú và doanh thu cho ngành du lịch. Đơn cử tại Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua, chỉ tính riêng chương trình biểu diễn thực cảnh "Ấn tượng Lệ Giang" do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, doanh thu đã mang về 80 triệu nhân dân tệ (tương đương 270 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận đạt 33 triệu nhân dân tệ (tức 110 tỷ đồng).

"Hữu xạ tự nhiên hương", với những sản phẩm du lịch có chất lượng, dịch vụ tốt, chương trình hay và có ý nghĩa, cộng với làn sóng truyền thông trong thời kỳ chuyển đổi số, Việt Nam nhất định sẽ ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế.

Peter Hồng - TS. Trà My

Ông Peter Hồng là Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)

TS. Trà My là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top