Kích cầu du lịch từ sản phẩm quà tặng

09:46 - Thứ Sáu, 03/11/2023 Lượt xem: 7185 In bài viết

Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-11, tại không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Sự kiện nhằm kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô - điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề trong việc sản xuất sản phẩm quà tặng phục vụ du khách trong và ngoài nước một cách hiệu quả, chuyên nghiệp.

Giới thiệu với du khách các sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín).

Đưa tinh hoa làng nghề đến gần du khách

Với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô, tăng sức hấp dẫn cho du khách khi đến Hà Nội.

Từ nhiều ngày nay, khu vực trước cổng Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang đã được các đơn vị thiết kế, dàn dựng gian hàng. Không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm quà tặng có 70 gian hàng, bao gồm: Sản phẩm quà tặng của các làng nghề Hà Nội; sản phẩm quà tặng của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh quà tặng; triển lãm nghệ thuật thị giác bằng công nghệ 3D mapping, giới thiệu không gian trình diễn tương tác ánh sáng với những thiết bị công nghệ hiện đại; tiểu cảnh tôn vinh một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội như làng mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng gốm Bát Tràng; triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội.

Tham gia 2 gian trưng bày hàng tại Lễ hội Quà tặng du lịch năm nay, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) cho biết, anh sẽ mang những tác phẩm độc bản để giới thiệu tới du khách tinh hoa làng nghề cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Ngoài ra, anh sẽ giới thiệu những món quà tặng được sáng tạo từ những thiết kế dành cho sơn mài mà mình đã đoạt các giải thưởng gần đây như: Tượng trâu, bộ gia đình gà…

Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, thuộc Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội) cho biết, sẽ giới thiệu hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ sừng của làng nghề Thụy Ứng (huyện Thường Tín), trong đó có nhiều mẫu quà tặng mới như dụng cụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, trang sức được làm bằng sừng… đang rất được du khách ưa chuộng.

“Nhu cầu của du khách ngày càng thay đổi nên các sản phẩm quà tặng cũng được nghệ nhân sáng tạo, thiết kế đổi mới mẫu mã”, ông Nguyễn Văn Sử cho biết.

Chủ cơ sở “ULan handmade” chuyên sản xuất đồ thủ công từ nghệ thuật móc len, vải Nguyễn Thị Lan chia sẻ, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội tạo cơ hội lớn để những cơ sở sản xuất quà tặng được tiếp cận với đông đảo du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá những sản phẩm quà tặng phong phú, đa dạng của Thủ đô.

Cần thêm những cầu nối

Lâu nay, vấn đề quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch luôn được nhiều địa phương quan tâm nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Theo các chuyên gia du lịch, thực tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều làng nghề nhưng sản phẩm để du khách mua làm quà tặng chưa hấp dẫn, phong phú vì thế chưa kích thích được nhu cầu chi tiêu, mua sắm. Nhiều điểm du lịch không có khu trưng bày quà tặng, đồ lưu niệm cho du khách, hoặc nếu có cũng nghèo nàn sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nhận định, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống được công nhận, nhưng đáng tiếc là sản phẩm quà tặng của các làng nghề xuất hiện còn rất khiêm tốn trong các khu, điểm du lịch. Hiện nay, những sản phẩm quà tặng được quảng bá, giới thiệu tới du khách phần lớn là sản phẩm quen thuộc như: Chuồn chuồn tre Thạch Xá, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Nhiều mẫu mã vẫn theo lối cũ, ít cải tiến, nâng cấp, nên chưa hấp dẫn được du khách.

Lý giải việc này, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa Nguyễn Văn Sử cho rằng, thợ giỏi ở các làng nghề không thiếu và luôn có tinh thần lao động chăm chỉ. Nhưng điểm yếu là người thợ chỉ quen làm theo mẫu mã truyền thống, thiếu thiết kế mới để cải tiến sản phẩm.

“Chúng tôi rất mong có thể kết hợp được với những họa sĩ, nhà thiết kế sáng tạo ra mẫu mới để có thêm sản phẩm quà tặng cho Thủ đô”, ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

Còn nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát bày tỏ, sản phẩm quà tặng tại các làng nghề và cơ sở sản xuất tư nhân chưa đến tay người tiêu dùng một phần là do khâu quảng bá và sự kết nối với các điểm du lịch chưa tốt.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng của Thủ đô, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, tăng chi tiêu đối với du khách, những năm qua Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc thi thiết kế sáng tạo sản phẩm quà tặng. Thành phố cũng tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch thường niên, tạo cầu nối giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất quà tặng với người dân và du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, xây dựng cơ sở giới thiệu sản phẩm, quà tặng để tạo điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top