Tháp Bà Po Nagar - “viên ngọc” của thành phố biển Nha Trang

14:45 - Thứ Sáu, 10/11/2023 Lượt xem: 6268 In bài viết

Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng nổi tiếng nhất và có lịch sử lâu đời nhất là quần thể Tháp Bà Po Nagar. Không chỉ là một tuyệt tác kiến trúc đã tồn tại hơn 10 thế kỷ, công trình còn in đậm dấu ấn văn hóa của hai nền văn minh Việt - Chăm, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách.

Quần thể tháp Chăm toàn vẹn

Tháp Bà Po Nagar là một quần thể tháp Chăm cổ tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang). Đây là khu đền tháp tiêu biểu của dân tộc Chăm.

Xưa kia, Tháp Bà Po Nagar là một trong những trung tâm tôn giáo của vương quốc Chăm Pa và hiện là khu đền tháp toàn vẹn nhất ở miền Trung Việt Nam. Những dấu tích kiến trúc, nghiên cứu khảo cổ và bia ký để lại cho thấy, khu đền tháp này được xây dựng từ thế kỷ VIII - XIII, thời kỳ Ấn Độ giáo cường thịnh ở Chăm Pa.

Theo truyền thuyết, Po Nagar tức Nữ vương Po Ina Nagar, còn gọi là Yang Po Nagara, Po Ana gar. “Ana” trong tiếng Chăm nghĩa là “giống Cái”, là mẹ xứ sở của người Chăm, là người tạo dựng ra Trái đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Vốn mang tâm thức thờ Mẫu nên khi người Việt đến sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã tiếp biến tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh mẫu.

Các truyền thuyết về vị nữ thần đã được quan Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn là Phan Thanh Giản ghi chép, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 tại di tích Tháp Bà Po Nagar. Các đời vua triều Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho Thiên Y Thánh mẫu là Thượng đẳng thần.

Quần thể Tháp Bà Po Nagar được chia làm 3 cấp cao dần từ ngoài vào trong, bao gồm: Khu tháp cổng, khu tiền đình (mandapa) và khu đền tháp (kalan). Khu tháp cổng đã bị phá hủy; khu tiền đình còn dấu tích là 4 hàng với 22 cột bát giác chia đều hai bên lối vào. Dựa vào cấu trúc nền móng cũng như các nguồn sử liệu, các nhà khoa học nhận định rằng tiền đình (nơi chuẩn bị lễ vật trước khi hành lễ) có niên đại thế kỷ XI, là một tòa nhà khung gỗ, mái ngói, có quy mô khá lớn. Đây là nét đặc trưng của Tháp Bà, không lẫn với những tháp Chăm khác. Từ tiền đình, phải qua một hệ thống bậc cấp mới lên tới nền khu tháp chính. Theo những dấu tích để lại, trên mặt bằng này có 6 tháp (kalan) được chia làm hai hàng trước - sau, nhưng hiện tại chỉ còn 4 tháp - 3 tháp ở hàng trước và 1 tháp ở hàng sau.

Nằm ở phía đông bắc là tháp chính - Tháp Bà, cao nhất trong các tháp (23m), được xây dựng khoảng năm 813 - 817 và được tu bổ, sửa lại vào thế kỷ XI. Trong lòng tháp là điện thờ Thiên Y A Na Thánh mẫu với bức tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.

Ở phía nam là Tháp Ông cao 18m, có niên đại thế kỷ XIII. Tháp có cùng phong cách với tháp chính, trên đỉnh có 1 trụ linga, là nơi thờ thần Shiva - chồng của nữ thần. Ở phía tây bắc là Tháp Cô, Tháp Cậu - con của nữ thần. Nằm ở phía đông nam là tháp nhỏ nhất, chỉ cao 7,1m, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI - XII, là nơi thờ thần Skanda - biểu tượng của sức mạnh và chiến tranh. Đây cũng là nơi thờ ông bà Tiều, người đã cưu mang, nuôi dưỡng nữ thần Thiên Y A Na nên còn có tên là Tháp Cố.

Các tháp trên đều có bình đồ hình vuông, được xây dựng bằng gạch nung, kết hợp tinh tế với các điêu khắc bằng đá, thể hiện giá trị nghệ thuật đặc sắc của người Chăm Pa xưa. Các hình ảnh trên tháp thể hiện các nhân vật, biểu tượng, hay sự tích của Ấn Độ giáo như linga, yoni, thần Shiva, voi thần Ganesha, chim thần Garuda… Trải qua hơn 10 thế kỷ, quần thể Tháp Bà vẫn tồn tại và được coi là “viên ngọc” của thành phố biển Nha Trang. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, quần thể Tháp Bà Po Nagar đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1979.

Độc đáo Lễ hội Tháp Bà

Lễ hội Tháp Bà Po Nagar còn có tên gọi khác là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh mẫu hay Lễ vía Bà, được tổ chức từ ngày 20 - 23 tháng Ba hằng năm nhằm tôn vinh mẹ Po Nagar - người đã dạy người dân cách trồng lúa, chăn nuôi, dệt vải và đưa người Chăm Pa đến cuộc sống ấm no. Đây cũng là lễ hội dân gian lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa.

Lễ hội thu hút đông đảo sự tham gia của các cộng đồng dân tộc Kinh, Chăm, Raglai ở miền Trung, Tây Nguyên, qua đó kết nối cộng đồng các dân tộc, thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc anh em.

Lễ hội Tháp Bà Po Nagar có nhiều hoạt động diễn ra trong suốt 4 ngày, với các nghi lễ chính: Lễ thay y, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ tế cổ truyền, lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương, lễ dâng hương tạ Mẫu, múa bóng và hát văn, hội thi rước nước...

Khu di tích Tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang, nơi diễn ra lễ hội Tháp Bà hằng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. Lễ hội là môi trường giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp; là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần kết nối các dân tộc Việt Nam trên dải đất miền Trung. Lễ hội Tháp Bà Po Nagar đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top