Du lịch mạo hiểm - cần chuyên nghiệp hóa

10:00 - Thứ Sáu, 17/11/2023 Lượt xem: 7043 In bài viết

Được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, du lịch mạo hiểm đang tạo nên sức hấp dẫn, khác biệt. Tuy nhiên, loại hình này cần phải được quản lý hiệu quả, tổ chức chuyên nghiệp để hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho du khách.

Du khách tham gia tour trekking, leo núi tại tỉnh Lai Châu.

Hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rủi ro

Với hệ thống rừng núi, hang động, sông, suối, thác ghềnh phong phú, Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch mạo hiểm. Nhiều năm nay, loại hình này thu hút lượng lớn du khách, đặc biệt là những nhóm khách thích trải nghiệm cảm giác mạnh. Các tour leo núi, trekking (đi bộ đường dài), khám phá hang động… trở thành sản phẩm du lịch nổi bật ở nhiều địa phương như: Quảng Bình, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lâm Đồng...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhận định, du lịch mạo hiểm được ưa chuộng trên thế giới, mang lại lợi nhuận lớn. Tại Việt Nam, du lịch mạo hiểm đã góp phần tăng sức cạnh tranh cho ngành Du lịch. Rất nhiều tour được du khách trong và ngoài nước săn đón. Điển hình như tour khám phá hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình), du khách phải trả khoảng 70 triệu đồng và đặt chỗ trước nhiều tháng.

Tuy nhiên, do tính đặc thù riêng, du lịch mạo hiểm cũng là sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến du lịch mạo hiểm. Như ngày 29-10 vừa qua, một nam du khách quốc tế bị mắc kẹt tại thác nước cao trên suối Mơ Khe Răm (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), may mắn được cứu nạn thành công. Ngày 26-10, một nữ du khách nước ngoài thiệt mạng do trượt ngã khi trèo lên mỏm đá ở khu vực đỉnh Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) để chụp ảnh. Chiều 24-10, lũ quét bất ngờ xuất hiện cuốn trôi xe chở khách tham quan Khu du lịch làng Cù Lần (tỉnh Lâm Đồng), làm 4 người Hàn Quốc tử vong...

Trước những rủi ro tiềm ẩn của loại hình du lịch này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch mạo hiểm là thế mạnh nhưng cần phải có cơ chế quản lý, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ, bài bản để trở thành sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, có sức hấp dẫn riêng biệt.

Tăng cường công tác quản lý

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị lữ hành đã khai thác thành công sản phẩm du lịch mạo hiểm. Chẳng hạn Công ty lữ hành Pu Lai Châu chuyên khai thác sản phẩm leo núi, chinh phục các đỉnh Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử… Công ty lữ hành S-Travel tổ chức nhiều tour, leo núi trekking, chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Tả Liên, Fansipan (Lào Cai). Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure chuyên dòng sản phẩm du lịch mạo hiểm cao cấp khám phá hệ thống hang Tú Làn, Sơn Đoòng, Hang Tiên, Hang Én (Quảng Bình)…

Chia sẻ về công tác quản lý, cách thức tổ chức du lịch mạo hiểm, Giám đốc Công ty lữ hành S-Travel Nguyễn Hồng Thắng cho biết, phần lớn những rủi ro của du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm là do đi theo hình thức tự phát. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị du lịch không đủ năng lực tổ chức, hướng dẫn viên thiếu kinh nghiệm cũng khiến du khách gặp nguy hiểm. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, các đơn vị kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp luôn có những khóa đào tạo, hướng dẫn du khách tập luyện trước khi tham gia. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ có đội ngũ chăm sóc, dẫn đường, hỗ trợ du khách.

Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành Pu Lai Châu Hoàng Quốc Việt, ngoài việc kiểm tra sức khỏe và tập huấn kỹ năng cho du khách, doanh nghiệp lữ hành còn phải thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho hướng dẫn viên, người dẫn đoàn (porter) kỹ năng xử lý chấn thương, ổn định tâm lý cho khách. “Khâu tổ chức thường được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Đồng thời, các đơn vị khai thác tour luôn có bảo hiểm cho khách, tuân thủ nghiêm quy định quản lý về vệ sinh, môi trường của địa phương”, ông Hoàng Quốc Việt chia sẻ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để du lịch mạo hiểm trở nên chuyên nghiệp, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định pháp lý chung về du lịch mạo hiểm. Chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành những quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ, có quy định riêng với những đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm và cả những quy định dành cho du khách. Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khuyến cáo, du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm nên lựa chọn dịch vụ của những đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm, không nên tự ý tổ chức.

Trước những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý điểm đến, đặc biệt là những địa phương có hoạt động du lịch mạo hiểm. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không bảo đảm điều kiện kinh doanh du lịch và tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top