Nhiều giải pháp phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên trong phát triển bền vững du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng

09:50 - Thứ Ba, 21/11/2023 Lượt xem: 6718 In bài viết

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã nêu những đề xuất, giải pháp khả thi, nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao tại Đà Lạt-Lâm Đồng.

Đà Lạt mùa hoa phượng tím.

Ngày 19/11, tại thành phố Đà Lạt, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay”.

Tham dự hội thảo, có các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt, Trường cao đẳng Đà Lạt và nhiều cơ quan, đơn vị tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong phát triển du lịch, văn hóa là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, là nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Các giá trị văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng.

Du lịch muốn phát triển phải được “xây” trên nền móng văn hóa. Ngược lại, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, là cầu nối giữa các nền văn hóa với nhau. Thông qua du lịch, văn hóa được lan tỏa, được quảng bá, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, có thêm những điều kiện để giao lưu phát triển. Như vậy, mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch là mối quan hệ biện chứng, có tác động qua lại lẫn nhau.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 60 bài viết. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung, như lý luận về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch; mối quan hệ giữa phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững; đánh giá thực trạng khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao tại Lâm Đồng…

Đồng thời, nhận định những khó khăn, thách thức và nêu những vấn đề cần khắc phục, nhiều đề xuất, giải pháp khả thi nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao tại Lâm Đồng.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với phát huy những thành quả, thương hiệu du lịch Đà Lạt trong thời gian qua, Lâm Đồng cần chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều.

Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc địa phương, lễ hội truyền thống, các tín ngưỡng địa phương trong phát triển du lịch; phát triển kinh tế ban đêm; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố lịch sử, văn hóa, thiên nhiên; phát triển tốt các dự án hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực chất lượng cao; cần có sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương; đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện để quảng bá tiềm năng về văn hoá và du lịch trong nước, quốc tế và có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia.

Tiến sĩ Phạm S cùng các chuyên gia, nhà khoa học "trao đổi bàn tròn" tại hội thảo.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hệ sinh thái rừng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, canh nông và du lịch hội nghị, hội thảo để phát triển du lịch xanh, bền vững. Việc khai thác hợp lý và bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên, giúp Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Lâm Đồng nơi lưu giữ và không gian của 3 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang; cùng hệ thống 37 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng và 17 loại hình văn hóa phi vật thể của cộng đồng 47 dân tộc sinh sống trên địa bàn; Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc và đang đề xuất xây dựng hồ sơ Thành phố Di sản thế giới.

Đà Lạt - Lâm Đồng còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách.

Chiều Đà Lạt.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đánh giá cao chất lượng các bài tham luận, những trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu tại hội thảo.

“Các ý kiến, bài viết đã nhìn nhận, trao đổi và đánh giá nội dung hội thảo theo những cách nhìn, quan điểm khác nhau, tạo nên sự đa dạng, nhiều chiều trong cách tiếp cận chủ đề hội thảo. Trong đó, những đề xuất, giải pháp đưa ra có tính khả thi và có thể triển khai trên thực tiễn”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top