Kỳ vọng phát triển du lịch của huyện nghèo vùng cao

10:15 - Thứ Sáu, 24/11/2023 Lượt xem: 7506 In bài viết

ĐBP - Chợ phiên Keo Lôm, Hồ Noong U, tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh, khu di tích Vừ Pa Chay, hồ thủy điện sông Mã... là những điểm đến rất giàu tiềm năng để huyện Điện Biên Đông khai thác, phát triển du lịch.

Từ TP. Điện Biên Phủ đi theo quốc lộ 12 kéo dài khoảng 30km, du khách sẽ đến điểm dừng chân đầu tiên trên bản đồ du lịch Điện Biên Đông – đó là chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm). Chợ được xây dựng theo đúng chuẩn chợ phiên truyền thống của dân tộc Mông, chợ gần quốc lộ rất thuận lợi cho du khách dừng nghỉ, tham quan. Chợ phiên Keo Lôm tổ chức họp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Ở đây, du khách được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông; mua sắm sản vật địa phương, các sản phẩm OCOP; thưởng thức những bài dân ca, điệu múa khèn Mông đặc trưng. Đặc biệt, khách du lịch có thể trải nghiệm săn mây, check in thoải mái tại một trong những điểm săn mây nổi tiếng nhất tỉnh Điện Biên.

Ông Vàng A Bông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm cho biết: Mặc dù chợ phiên mới đưa vào hoạt động được gần 3 tháng song đây đã trở thành địa điểm gặp gỡ quen thuộc của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Chợ phiên giúp người dân có điểm mua bán, trao đổi hàng hóa, đồng thời thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Để khai thác hiệu quả chợ phiên Keo Lôm, UBND xã đã thành lập Ban quản lý chợ, quy hoạch các khu vực, ki ốt, các gian hàng theo từng chủ đề, từng nhóm sản phẩm; chỗ để xe gọn gàng… Đồng thời, vận động các thôn, bản củng cố, nâng cao chất lượng các đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập để biểu diễn tại các phiên chợ. Đặc biệt, xã chú trọng công tác vệ sinh môi trường, để du khách có không gian trải nghiệm tốt nhất.

Rời chợ phiên Keo Lôm, hành trình trải nghiệm tiếp tục đến với xã Noong U – nơi sở hữu chuỗi thắng cảnh hoang sơ, thơ mộng. Đến đây, du khách nhất định phải khám phá hồ Noong U. Hồ có vẻ đẹp nên thơ, trữ tình được ví như “thiếu nữ ngủ trong rừng” đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách vào những dịp cuối tuần. Hồ có diện tích rộng khoảng 4ha, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển; khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp với những ai muốn rời xa không khí ồn ào của thành phố, tìm nơi bình yên để nghỉ dưỡng.

Nhận thấy tiềm năng du lịch của hồ Noong U, ông Cứ Chừ Tú, già làng bản Tìa Ló B đã đầu tư xây dựng các chòi nghỉ giữa hồ, trang trí khuôn viên theo mô hình các khu du lịch sinh thái; cải tạo, xây dựng 3 phòng homestay phục vụ du khách có nhu cầu lưu trú. Ngoài tận hưởng không khí trong lành, du khách đến đây có thể câu cá, tham quan rừng thông, tổ chức tiệc nướng ngoài trời…

Ông Cứ Chừ Tú, cho biết: Rừng thông xung quanh hồ tôi đã trồng cách đây 20 năm, bây giờ kết hợp với hồ tạo nên không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Mấy năm gần đây, du khách đến trải nghiệm, khám phá hồ Noong U khá đông, nhất là dịp lễ, tết, ngày nghỉ. Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng một số tiểu cảnh để du khách thuận tiện trong việc khám phá, thưởng ngoạn. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, chính quyền địa phương và gia đình phối hợp thực hiện tốt việc giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của hồ Noong U.

Hồ Noong U chỉ là một trong những điểm đến của bản Tìa Ló (xã Noong U) – nơi được UBND huyện Điện Biên Đông xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng Tù Lu – Tìa Ló. Bản Tìa Ló có vị trí “đắc địa”, nằm ở trung tâm của các danh thắng nổi tiếng của huyện Điện Biên Đông. Phía trên có đỉnh Phù Lồng, phía dưới có Hồ Noong U, 2 bên là Chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm) và Hồ Nậm Ngám (xã Pú Nhi). Bản Tìa Ló là bản thuần dân tộc Mông, các truyền thống văn hóa được gìn giữ nguyên trạng. Bản không có người nghiện ma túy, không tệ nạn xã hội.

Ông Sùng A Ư, Bí thư Đảng ủy xã Noong U cho biết: Xã đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan. Để xây dựng bản du lịch cộng đồng thì người dân phải có kiến thức về làm du lịch. Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức lớp tập huấn 2 tháng về kiến thức, cách làm du lịch cộng đồng cho hơn 30 hộ dân trong bản. Đồng thời, UBND xã đã lựa chọn 3 hộ dân để làm điểm mô hình phát triển du lịch. Cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển khu vực nuôi gia súc ra khỏi bản; cải tạo môi trường; vệ sinh, trồng 300 cây đào rừng dọc các tuyến đường nội bản. Xã đã tổ chức 1 chuyến thực tế tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) để cán bộ, người dân học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương có vị trí, đặc điểm, văn hóa tương đồng với bản Tìa Ló.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá Điện Biên Đông là xã Mường Luân – mảnh đất yên bình bên dòng sông Mã. Nổi bật nhất ở đây là Tháp Mường Luân, công trình kiến trúc có giá trị về nghệ thuật và lịch sử. Hình dáng của tháp cùng những nét hoa văn trang trí trên tháp độc đáo, không giống tháp nào hiện có ở Việt Nam. Khu tháp cổ Mường Luân là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức lễ hội trong dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng trên địa bàn. Cùng với việc tham quan tháp cổ, du khách được khám phá nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, đặc biệt là những điệu múa đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mường Luân còn nổi tiếng với mó nước khoáng và mó nước nóng được thiên nhiên ban tặng. Nước khoáng vừa có thể sử dụng như một đồ uống giải khát, vừa có thể sử dụng để tắm trị một số bệnh ngoài da, giúp da sáng và sạch hơn. Ngoài ra, Mường Luân có tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ thủy điện trên sông Mã. Theo thống kê của UBND xã Mường Luân, năm 2022 du lịch lòng hồ thủy điện đã thu hút trên 4.000 lượt người đến tham quan, khám phá.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, đánh giá về thực trạng du lịch, từ đó lên phương án xây dựng tuyến du lịch TP. Điện Biên Phủ - Điện Biên Đông kết nối với huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Hiện nay, Điện Biên Đông đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với huyện, từng bước biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay đã thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn nghiên cứu, khảo sát và triển khai 3 dự án: Khu du kịch sinh thái nghỉ dưỡng Mường Luân; Khu văn hóa tâm linh huyện Điện Biên Đông và Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top