Đừng làm cảnh quan di sản bị tổn thương

09:33 - Thứ Ba, 28/11/2023 Lượt xem: 6010 In bài viết

Đấy không hẳn là lời nhắc nhớ, cao hơn là sự cảnh báo và đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm thực thi pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên một cách nghiêm túc, thẳng thắn hơn, tránh tình trạng "hòa cả làng" như lâu nay.

1. Mới đây, dư luận báo chí, mạng xã hội dành sự quan tâm xen lẫn bức xúc trước việc vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị xâm hại vì người ta đổ đất đá làm đường công vụ phục vụ cho dự án xây dựng khu đô thị, khiến cho những hòn núi đá sừng sững giữa vịnh bị quây thành "hòn non bộ".

Mà không phải đợi đến bây giờ vùng đệm của khu di sản thiên nhiên thế giới này mới bị xâm phạm không gian, cảnh quan đến mức tổn thương lớn như vậy. Không cần phải trưng ra tấm bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di sản được các cấp chính quyền đóng dấu đỏ chót thì người ta mới nhận ra những khu vực mặt vịnh bị lấn chiếm, xâm phạm "khủng" về không gian, cảnh quan để xây dựng công trình này, dự án khác, mà chỉ cần ngồi trên xe máy chạy vòng qua một vài dãy phố ở Hạ Long, sang Hòn Gai đã thấy "đập ngay vào mắt" tình trạng đó rồi. Dường như mọi thứ cứ “chìm nghỉm” dưới triệu triệu khối đất đá lấn biển. Còn vụ đổ đất đá xây dựng khu đô thị 10B thuộc phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) bỗng rộ lên vừa qua là do một đơn vị "cực chẳng đã" và "xi nhan" cho cánh phóng viên về tình trạng đổ đất đá làm ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái biển, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long.

Dự án khu đô thị 10B rộng gần 32 ha, trong đó có gần 3,9 ha nằm trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Làm việc với cơ quan chức năng về dự án xây dựng khu đô thị 10B có "dấu hiệu" lấn vịnh Hạ Long, chúng tôi tiếp nhận chồng hồ sơ tài liệu dày cả gang tay với hàng chục dấu đỏ của cơ quan Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nó dường như không thiếu bất cứ một văn bản, giấy tờ nào theo quy định hiện hành. Nghĩa là, với dự án này, theo quy trình thủ tục pháp lý, nó hoàn toàn hợp lệ và khó có thể trách cứ hay phê bình chủ đầu tư. Nhưng, vì sao dự án vẫn bị dư luận bức xúc, lên án, thậm chí yêu cầu địa phương thu hồi giấy phép, trả lại mặt bằng hiện trạng không gian, cảnh quan cho vịnh Hạ Long? Là do chủ đầu tư dự án khi tiến hành đổ đất, đá xuống vịnh không có hệ thống bao kè, dẫn đến ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái biển? Không hẳn là như vậy. Nhìn những tấm ảnh hay clip được chụp, quay từ trên cao tại dự án này, những ai yêu quý giá trị thiên nhiên, thẫm mỹ của vịnh Hạ Long cũng cảm thấy nhức nhối, bởi một khối lượng lớn đất đá đã bị đổ thẳng xuống vịnh mà không có giải pháp bảo vệ môi trường; giá trị cảnh quan, không gian nơi đây phần nào biến dạng khi mấy ngọn núi đá trải qua hàng triệu năm bỗng dưng trở thành "hòn non bộ" cho một dự án khu đô thị mới dần hình thành.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân làm cho người ta phản ứng với thái độ rất bức xúc đối với dự án này, đó là một trong những tiêu chí để vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới là giá trị cảnh quan thiên nhiên đang bị tổn thương. Cần nhớ rằng, trong những lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long luôn nổi bật với các tiêu chí, bao gồm địa mạo địa chất, cảnh quan thiên nhiên và giá trị thẩm mỹ. Vì thế, bất kỳ sự can thiệp nào nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học thì giá trị thẩm mỹ, giá trị cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng. Dự án xây dựng khu đô thị 10B tại phường Quang Hanh mặc dù lấn vịnh gần 4ha nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan, mặc dù nó nằm cách xa khu vực vùng lõi của di sản.

Một trong những lý do khác khiến dự án phải đối mặt với dư luận đó là cho đến nay, dù cơ quan chức năng đã thẩm định, chính quyền địa phương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu đô thị 10B, nhưng lại bị "bỏ quên" đánh giá tác động, ảnh hưởng đến di sản. Một chuyên gia về bảo tồn di sản cho biết, báo cáo đánh giá tác động, ảnh hưởng đến di sản qua dự án này cao hơn và bao gộp cả báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đánh giá tác động, ảnh hưởng đến di sản, nhất là di sản thiên nhiên chứa đựng giá trị địa mạo địa chất, thẩm mỹ và giá trị cảnh quan đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn và giải pháp thực thi cũng ngặt nghèo hơn rất nhiều. Chính vì thiếu sự đánh giá tác động, ảnh hưởng đến di sản của đội ngũ chuyên gia liên ngành, liên lĩnh vực cho nên dự án xây dựng khu đô thị 10B vẫn chưa thỏa mãn được những yêu cầu cần thiết đến từ chuyên ngành.

2. Vì có liên quan đến việc chuyên môn nên chúng tôi thường xuyên phải tiếp nhận những thông tin vụ việc xâm phạm, xâm hại đến giá trị không gian, cảnh quan thiên nhiên của di sản, di tích và trong những chừng mực nào đó, chúng ta không thể lấy lại ký ức riêng có của nó.

Nếu ai đó để ý thì thấy trong những năm qua, tại di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) liên tục bị người dân, đơn vị "vô tư" xâm phạm giá trị cảnh quan, không gian. Người ta ngó lơ quy định của pháp luật hiện hành, quy chế của chính quyền địa phương, tiến hành xây dựng nhà ở cho du khách thuê, nhà hàng, đặc biệt là công trình vượt núi một cách đồ sộ. Điển hình như xây dựng trái phép cầu thang bê tông dài 1.115m với 2.234 bậc lên đỉnh núi Cái Hạ (Huyền Vũ) thuộc xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Công trình đã được hoàn thành và được chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Khi dư luận lên tiếng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc xử lý thì công trình mới được phá dỡ, nhưng phá dỡ kiểu đối phó, chỉ dỡ đi phần bậc còn nhiều đoạn khung bê tông vẫn còn nguyên.

Dịp cuối tuần, không gian hồ Hoàn Kiếm bị bao vây bởi những ki ốt bán hàng.

Khu di sản hỗn hợp thế giới đầu tiên của Việt Nam là khu di sản văn hóa, thiên nhiên Tràng An. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nơi đây đòi hỏi tính chất phức tạp hơn, trong đó yếu tố giá trị cảnh quan cũng cần phải được đề cao theo hướng cần có một quy hoạch tổng thể, bên cạnh cần phải bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi của di sản thì vùng đệm, ngay sát với vùng lõi cũng cần hạn chế đến mức thấp nhất xây dựng hạ tầng.

Cũng vì biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan, không gian của di sản, danh thắng chưa thật sự khoa học, nếu không dám nói là coi nhẹ nên cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã "trưng dụng" gần như triệt để cảnh quan, không gian hồ Hoàn Kiếm vào nhiều mục đích khác nhau. Gần đây, ba bề bốn bên của cảnh quan, không gian hồ Hoàn Kiếm như bị bóp nghẹt khi liên hồi dãy ki ốt, hàng quán bao kín, cùng với sự đậm đặc các hoạt động vào những dịp cuối tuần. Vào ban đêm, nhất là thời điểm phố đi bộ diễn ra kết hợp với hoạt động dịch vụ, quảng bá sản phẩm, nhiều du khách thập phương khó có thể chọn được cho mình chỗ đứng để có thể quan sát được cảnh quan, không gian thơ mộng của hồ Hoàn Kiếm.

Những người có trách nhiệm quản lý nơi đây dường như quên mất rằng, cảnh quan, không gian của hồ Hoàn Kiếm mang giá trị riêng có, tạo nên một thắng cảnh quốc gia giữa vùng ký ức đô thị cổ. Và, giá trị này không được phép bị xâm phạm một cách thô bạo đến như thế. Nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp dung hòa và trước hết cần tôn trọng, bảo vệ giá trị cảnh quan, không gian hồ Hoàn Kiếm, thì những hoạt động đó kết hợp với hàng trăm ki ốt sẽ làm "tan vụn" một thắng cảnh tuyệt đẹp của Hà Nội về đêm.

Cảnh quan hay không gian thiên nhiên là một trong những giá trị cấu thành nên một tổng thể di sản, danh lam thắng cảnh hoặc một đô thị. Một khi nó bị biến dạng bởi sự xâm phạm trực tiếp với những mức độ khác nhau hoặc xâm phạm gián tiếp sẽ làm cho địa hình, môi trường xung quanh nó bị ảnh hưởng, dẫn dến những công trình, hay ký ức của nơi đó sẽ bị tổn thương. Nhận diện về cảnh quan, không gian di sản để có ý thức bảo vệ nó cũng quan trọng không kém trong việc nhận diện giá trị bản thân của mỗi công trình, di sản.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top