Đến Giang Biên trải nghiệm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng

16:07 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 6549 In bài viết

Ngày 16/12, mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng VietHarvest AgriTour đã chính thức được ra mắt tại khu vực phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội). Mô hình hiện thu hút 20 hộ nông dân tham gia, với các sản phẩm du lịch xanh hấp dẫn.

Trải nghiệm hái cà chua sạch tại khu nông trại-vườn rau sạch Long Biên.

Nhắc đến Giang Biên là nhắc đến vùng đất ven đô nổi tiếng với nghề trồng rau và đan võng. Bên cạnh đó, với khu nông trại - vườn rau sạch rộng khoảng 20 ha, bờ đê sông Đuống và nhiều di tích đền chùa mang những nét văn hóa đặc sắc, Giang Biên còn là nơi lý tưởng để phát triển du lịch nông nghiệp và sinh thái.

Để hỗ trợ người nông dân có thể vận hành các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững từ nguồn tài nguyên nông nghiệp, sinh thái, các chuyên gia của VietHarvest AgriTour đã tiếp cận theo mô hình trải nghiệm thực tế, huấn luyện, chuyển giao và hỗ trợ.

Mô hình VietHarvest AgriTour là “đứa con tinh thần” của Dự án cộng đồng “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập” được thực hiện bởi Công ty cổ phần tập đoàn phát triển doanh nghiệp cộng đồng Việt (VietED), với sự tài trợ từ Quỹ châu Á (The Asia Foundation-TAF) và Quỹ GSRD (GSRD Foundation), nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương; tạo việc làm, nguồn thu nhập mới từ hoạt động du lịch cho nông dân trồng rau tại phường Giang Biên; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống nông thôn theo hướng bền vững.

Cắt băng ra mắt mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour.

Tại sự kiện, 3 sản phẩm du lịch nông nghiệp do các chuyên gia giàu kinh nghiệm của dự án tư vấn thiết kế phù hợp điều kiện tự nhiên, văn hóa và lịch sử tại khu nông trại-vườn rau sạch Giang Biên đã được giới thiệu. Đó là các tour: “Một ngày làm nông dân” có thời gian kéo dài 1 ngày; tour “Học kỳ nông nghiệp” dành cho học sinh, thanh thiếu niên kéo dài 1 ngày; và tour “Sống xanh-Sống lành” kéo dài 2 ngày 1 đêm.

Tất các các tour phần lớn liên quan trải nghiệm làm nông, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại rau ăn quả, rau ăn củ và rau ăn lá.

Bên cạnh đó, du khách còn được hướng dẫn chế biến các món ăn phù hợp các loại rau ở vườn rau sạch Giang Biên, được hòa mình vào thiên nhiên tươi mát, bên dòng sông Đuống hiền hòa…

Du khách trải nghiệm làm bánh đúc truyền thống tại Giang Biên.

Ông Hoàng Đại Dương, Quản lý dự án cho biết: VietHarvest AgriTour được xây dựng trên nền tảng trách nhiệm xã hội gắn với cộng đồng, thông qua việc cải thiện và đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người nông dân. Sau khi hoàn thành thiết kế sản phẩm, nhóm chuyên gia của dự án đã tiến hành tập huấn, đào tạo, thử nghiệm và chuyển giao để các hộ nông dân tham gia dự án có thể vận hành và triển khai trên thực tế.

Trước đó, các nông hộ ở Giang Biên đã được tham gia vào các tour học tập mô hình làm du lịch nông nghiệp tại khu nông trại Chimi Farm, DeTrang Farm, Sapa... để hiểu được cách thức làm du lịch nông nghiệp thực tế.

Bà Nguyễn Thị Loan, đại diện của một trong 20 hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại Giang Biên chia sẻ: Khi tham gia dự án, những nông dân vốn chỉ quen với công việc nhà nông truyền thống ở Giang Biên đã được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, từ cách trồng rau sạch không phải dùng đến hóa chất, cho tới cách giao tiếp, ứng xử, quảng bá sản phẩm... tới du khách.

Đại diện dự án trao tặng vật tư nông nghiệp cho đại diện các hộ nông dân.

VietHarvest AgriTour tại Giang Biên, Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình du lịch kiểu mẫu để nhân rộng hầu hết tại các vùng nông thôn tại Việt Nam trong 5 năm tới. Đại diện Ftrip-Công ty du lịch phân phối tour du lịch nông nghiệp tại Giang Biên cho biết, bên cạnh thu hút những người dân Hà Nội đến khám phá du lịch nông nghiệp vùng ven đô, đơn vị cũng sẽ đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp Giang Biên hướng tới thị trường khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top