Những di sản văn hóa độc đáo của Slovenia

09:00 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 5865 In bài viết

Slovenia có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, trong đó có các nghề truyền thống đã được UNESCO vinh danh.

Nghề nuôi, nhân giống ngựa Lipizzan

Năm 2023, tri thức nghề nuôi, nhân giống ngựa Lipizzan của Slovenia và 7 quốc gia gồm: Áo, Croatia, Hungary, Italia, Romania, Slovakia, Bosnia và Herzegovina đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lipizzan là giống ngựa có bộ lông trắng, khả năng phi nước đại ấn tượng. Giống ngựa này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững mà còn góp phần đáng kể vào liệu pháp cưỡi ngựa chữa bệnh, đặc biệt là chứng bại não.

Trang trại nuôi ngựa giống Lipica ở Slovenia là nơi nuôi ngựa giống Lipizzan trong suốt 440 năm qua. Nơi đây còn thu hút du khách nhờ các di sản kiến trúc và cảnh quan văn hóa độc đáo.

Nghề làm ren bobbin

Làm ren bobbin là một nghề truyền thống của Slovenia, được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2018. Để tạo hoa văn, người ta vẽ mẫu trên giấy rồi gắn vào một chiếc gối hình trụ, sau đó bện, xoắn xen kẽ các sợi chỉ trên các bobbin (cuộn), tạo thành các dải ren hoặc hình dạng đã định.

Trong nhiều thế kỷ, kỹ năng xoắn, cuộn độc đáo này đã được truyền qua nhiều thế hệ thông qua các nghệ nhân hoặc các trường đào tạo. Nổi tiếng nhất là trường dạy làm ren ở Idrija đã hoạt động liên tục hơn 140 năm qua.

Ngoài ra, Slovenia còn có hơn 120 hiệp hội, nhóm làm ren bobbin. Ren được sử dụng để trang trí quần áo và phụ kiện thời trang, đồ nội thất trong nhà thờ và hàng dệt gia đình; đồng thời cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Nghệ thuật ốp tường đá khô

Nghệ thuật ốp tường bằng đá khô liên quan đến bí quyết xây dựng các công trình bằng cách xếp chồng các viên đá và gắn kết với nhau bằng đất khô mà không sử dụng bất kỳ vật liệu nào khác.

Các công trình nhà ở, chuồng trại, tường bảo vệ được làm theo phương pháp này đã xuất hiện ở khu vực Địa Trung Hải và Slovenia từ thời tiền sử, đến nay vẫn được duy trì bởi hiệu quả trong việc tối ưu hóa nguồn nhân lực và tài nguyên tự nhiên của địa phương cũng như khả năng ngăn chặn hậu quả của thiên tai, tăng cường đa dạng sinh học...

Những kiến thức và kỹ thuật của nghệ thuật ốp tường đá khô ở Slovenia và các quốc gia Croatia, Síp, Pháp, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2018.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top