Du lịch Điện Biên “cất cánh”

09:46 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 6675 In bài viết

ĐBP - Khởi đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 không mấy dễ dàng khi “cơn bão” Covid-19 quét qua làm cho ngành du lịch tỉnh nhà bị ảnh hưởng nặng nề, có lúc tưởng chừng như tê liệt. Thế nhưng ngay khi trở lại với trạng thái bình thường mới, cả hệ thống chính trị cùng các đơn vị, địa phương ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ, từng bước bứt phá vượt lên với nhiều tín hiệu khởi sắc...

Để tạo sự đột phá về phát triển du lịch, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn để triển khai thực hiện. Thế nhưng giai đoạn đầu nhiệm kỳ là khoảng thời gian khó khăn chung, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trong cả nước. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, hoạt động du lịch tỉnh nhà mới có dấu hiệu phục hồi.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chia sẻ: “Cụ thể hóa Nghị quyết 03-NQ/TU, ngành tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện, triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngành phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu mời gọi các nhà đầu tư có năng lực để phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, như: Các dự án khu du lịch phức hợp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm mua sắm cao cấp để phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch... Đồng thời, tập trung khai thác nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa, sinh thái, độc đáo, hấp dẫn. Ngành kết hợp khai thác giá trị lịch sử, văn hóa gắn với các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán. Các địa phương trong toàn tỉnh cũng khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào...; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú tại Điện Biên. Ngành cũng hỗ trợ, kết nối thu hút đầu tư và đồng hành trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch mới như: Kết nối hỗ trợ xây dựng bản du lịch cộng đồng Nà Sự (huyện Nậm Pồ), bản Lồng (huyện Tuần Giáo); khảo sát, định hướng xây dựng điểm du lịch tại huyện Tuần Giáo và TX. Mường Lay.

Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Mông huyện Tủa Chùa.

Xác định du lịch lịch sử là một trong ba trụ cột quan trọng của du lịch tỉnh, ngành VHTT&DL cũng đã hoàn thiện hệ thống quản lý, số hóa về di tích, di sản văn hóa phi vật thể và hiện vật tại Bảo tàng tỉnh; thực hiện dự án đầu tư,  nâng cấp, hiện đại hóa phòng trưng bày giới thiệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, ngành tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng, đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ... góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững. Mới đây, ngành cũng đưa vào khai thác sử dụng một số công trình văn hóa, tâm linh, làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Điện Biên, như: Bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa thu hút du khách tham quan.

Đặc biệt, thời gian qua là cao điểm ngành VHTT&DL đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch. Hình thức công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đa dạng, phong phú hơn, thông tin quảng bá đặc sắc, khách du lịch dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, kết nối với các đơn vị dịch vụ du lịch góp phần quan trọng thu hút du khách. Công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước được tăng cường, như: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội...

Biểu diễn múa cổ truyền dân tộc Hà Nhì phục vụ du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh.

Dịp cuối năm 2023 vừa qua cũng là thời điểm sôi động của ngành VHTT&DL khi liên tiếp tổ chức thành công Tuần Văn hóa, du lịch các tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh tại nước CHDCND Lào; Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội... Đây là hoạt động không mới, nhưng lần này, ngành đã tổ chức quy mô lớn hơn nhiều lần, mang đậm sắc màu Tây Bắc, thu về hiệu quả lớn trong việc quảng bá du lịch Điện Biên. Nhất là chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên, Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh đã tái hiện hình ảnh một miền hoa ban xinh đẹp, giàu bản sắc và thân thiện, mến khách ngay ở giữa trung tâm thành phố lớn nhất đất nước. Những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách của TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh miền Nam nói chung, thu hút họ đến với Điện Biên trong thời gian tới...

Du khách chụp ảnh check in tại khu du lịch Pha Đin Pass, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.

Vượt qua khó khăn, nỗ lực không mệt mỏi nên mới giữa nhiệm kỳ, du lịch tỉnh nhà đã thu được nhiều trái ngọt. Theo thống kê của ngành VHTT&DL, từ năm 2021 đến nay, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt gần 2,2 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,6%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 03-NQ/TU đề ra 1,57 lần; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 3.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 26,4%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra 1,76 lần. Du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho 10.000 lao động; trong đó 4.000 lao động trực tiếp. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng du lịch cũng dần được phát triển. Toàn tỉnh hiện có 205 cơ sở lưu trú du lịch với 2.769 buồng/5.035 giường. Trong đó có 31 khách sạn, 147 nhà nghỉ, 8 homestay, 19 nhà khách… Công suất sử dụng buồng bình quân đạt khoảng 70%. Trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành; trong đó, 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 3 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Các điểm vui chơi, tham quan phục vụ nhu cầu của du khách ngày càng tăng với 12 điểm có khả năng phục vụ cùng lúc trên 70.000 lượt khách. Về cơ sở phục vụ dịch vụ ăn uống, trên địa bàn tỉnh có trên 120 nhà hàng có thể đón tiếp, phục vụ từ 120 - 1.200 khách cùng một thời điểm...

Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top