“Hiện thực hóa” khát vọng cao nguyên đá

10:18 - Thứ Ba, 16/01/2024 Lượt xem: 5138 In bài viết

ĐBP -  Từ lợi thế lớn về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, huyện Tủa Chùa đã có sự định hướng dài hạn, tầm nhìn với khát vọng “hiện thực hóa” mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Giàu tiềm năng du lịch

Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch tại tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietourist TP. Hồ Chí Minh lần đầu đến cao nguyên đá Tủa Chùa. Được trực tiếp khám phá hang động Khó Chua La, cao nguyên đá Tả Phìn, thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn), cánh đồng Đề Dê Hu, chợ đêm thị trấn Tủa Chùa, ông Hải đã bị thu hút bởi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, huyền bí cùng nét văn hoá đặc sắc của người dân bản địa. Ông Hải chia sẻ: “Tủa Chùa được tạo hóa ban tặng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, mang trong mình nét đẹp hoang sơ, huyền bí hòa quyện như một lực hút hấp dẫn giữ chân du khách khám phá”.

Là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Điện Biên, cách TP. Điện Biên Phủ gần 130km, huyện Tủa Chùa hiện có 7 dân tộc cùng sinh sống, với đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống cũng như những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên dấu ấn riêng biệt. Nói về những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện Tủa Chùa không thể không nhắc đến lợi thế lòng hồ thủy điện giúp cho Tủa Chùa nằm trong vùng có thể liên kết phát triển du lịch của 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu. Cùng với hệ thống hang động được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên như: Hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só); rừng chè Shan Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi (xã Sín Chải); hệ thống cao nguyên đá trải rộng trên địa bàn các xã Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng; di tích cấp tỉnh kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn)… Đây là những lợi thế hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng hết sức phong phú để phát triển du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm.

Với những tiềm năng sẵn có, tỉnh Điện Biên và huyện Tủa Chùa đã và đang biến những tiềm năng phát triển du lịch này thành hiện thực. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, của tỉnh và sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân, hoạt động du lịch huyện Tủa Chùa đang có những khởi sắc mạnh mẽ. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân một số xã, thôn, bản đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch cộng đồng; bước đầu hình thành một số điểm du lịch và một số thôn, bản văn hóa làm du lịch…

Khát vọng bứt phá

Mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế nhưng phải ghi nhận những kết quả khả quan, khẳng định sự phát triển của du lịch Tủa Chùa trong thời gian qua. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, số lượng du khách tới địa bàn và doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng so với giai đoạn trước. Năm 2023, huyện Tủa Chùa đã đón 22.000 lượt khách tới tham quan, du lịch, trải nghiệm. Trên cơ sở những kết quả đạt được cùng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa Vùi Văn Nguyện cho biết: Huyện Tủa Chùa xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng để thu hút du khách nhất là du khách quốc tế; phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách góp phần tạo nguồn thu lâu dài, ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cùng với việc đề ra các mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới, cũng như nắm bắt thời cơ, nhận diện thách thức, du lịch Tủa Chùa xác định một tầm nhìn mới, một chiến lược phát triển bài bản và khả thi. Đó là thay đổi tư duy làm du lịch, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Đổi mới phương thức quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, từng bước số hóa các nội dung quản lý nhà nước về du lịch. Cùng với đó, quan tâm, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Với tầm nhìn đúng, chiến lược bài bản, giải pháp phù hợp, huyện Tủa Chùa phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, ý chí khát vọng vươn lên, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân để tạo sự bứt phá cho phát triển ngành du lịch của huyện ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị và tầm thương hiệu.

Định hướng đến năm 2030, Tủa Chùa từng bước xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và khu vực; phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương. Huyện đón trên 40 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 10% khách quốc tế. Đề nghị công nhận công trình kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh thành Vàng Lồng, cao nguyên đá Tả Phìn là khu du lịch cấp tỉnh và công nhận thêm ít nhất 1 điểm du lịch; phát triển thêm ít nhất 2 sản phẩm du lịch mới; xây dựng thêm 2 điểm dừng chân và 2 thôn, bản văn hóa làm du lịch.

 

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top