Từ vùng rốn lũ đến làng du lịch tốt nhất thế giới

09:28 - Thứ Ba, 23/01/2024 Lượt xem: 5670 In bài viết

Từ TP Đồng Hới, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình lên xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình. Hai bên đường vào Tân Hoá là những cánh đồng mướt màu xanh của lúa, của ngô, khói lam chiều giăng giăng trên những nóc nhà… Bức tranh quê nơi đây đã làm bất cứ du khách nào đặt chân đến cũng phải bất ngờ, ngạc nhiên, bởi Tân Hoá là rốn lũ của Quảng Bình, nay đã trở thành một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới.

Từ cảnh bỏ làng lên lèn đá chạy lũ

Quảng Bình là mảnh đất có bề ngang hẹp nhất cả nước, cũng là nơi chịu nhiều trận lũ trong những năm qua và Tân Hoá luôn là rốn lũ của Quảng Bình. Bao quanh Tân Hoá là những lèn đá hàng triệu năm tuổi dựng đứng, mỗi khi nước lũ đầu nguồn đổ về, Tân Hoá như cái hồ khổng lồ chứa nước. Mỗi mùa mưa lũ, người dân Tân Hoá lại bồng bế, dìu dắt nhau bỏ làng chạy lên lèn đá tránh lũ, đành phó mặc tài sản cho dòng lũ.

Ngồi bên bếp lửa bập bùng của ngày đông lạnh giá, những người làng ở Tân Hoá vẫn run run nhớ lại những trận đại hồng thuỷ năm 2010, năm 2017 và gần nhất là năm 2020. Trước đây, khi nước lũ tràn về, hàng trăm ngôi nhà của người dân nơi đây ngập lụt, chỉ còn trơ trọi những nóc nhà. 621 hộ gia đình với 3.076 người dân phải chạy lên núi đá ăn hốc, ở hang cả tuần lễ để tránh lũ.

Tân Hoá và trận “đại hồng thuỷ” năm 2010, hàng trăm ngôi nhà của bà con chìm trong lũ.

Lũ rút, nhiều người dân Tân Hoá trở về làng với nước mắt lưng tròng khi tất cả gia sản một đời tích cóp đã bị lũ cuốn phăng ra biển. Nhà ở, trâu bò, lợn, gà và dụng cụ lao động… không còn khiến nhiều người dân ở Tân Hoá không biết bắt đầu lại từ đâu. Với tấm lòng tương thân, tương ái, nhiều nơi lũ rút chưa hết nhưng những đoàn xe chở gạo, mỳ tôm, nước uống, quần áo do đồng bào quyên góp… từ Bắc vào Nam hối hả chạy về vùng lũ. Hàng tháng trời ăn ở với bà con vùng lũ, chúng tôi thấy hai chữ "đồng bào" thiêng liêng biết mấy. Chỉ trong vòng 15 ngày, phóng viên Báo CAND và Chuyên đề ANTG tại miền Trung đã đưa đón hàng chục đoàn cứu trợ của Báo về với bà con vùng lũ. Hơn 13 tỷ đồng, hàng ngàn thùng mỳ tôm, quần áo, sách vở mà Báo CAND và Chuyên đề ANTG kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp được đã phần nào sưởi ấm người dân miền Trung, trong đó có Tân Hoá sau cơn lũ.

Người dân Tân Hoá nói rằng, cứ nghe mưa rơi nặng hạt vài ngày liền là bà con bỏ chạy lên lèn, lên núi, chẳng mấy ai dám ở lại làng khi nước lũ bao vây ba bề bốn bên và lũ năm sau cứ cao hơn năm trước. Nơi vùng tâm lũ này, nhiều đứa trẻ được sinh ra trong mùa lũ, thiếu thốn đủ bề nhưng đã trưởng thành cứng cáp. Khi nước lũ dâng gần ngập nóc nhà, cũng là lúc chị Trương Thị Huế ở thôn 3 Yên Thọ trở dạ sinh con. Mẹ con chị Huế phải nương nhờ tầng 2 trạm y tế xã trong hàng chục ngày trời, nhờ người làng, người xóm rau cháo qua ngày chờ lũ rút.

Trên con đường quê, chúng tôi đến thăm nhà các chị Trương Thị Lý, Trương Thị Huế, Nguyễn Thị Tuyết… Nhìn các chị ở Tân Hoá bồng những em bé nhỏ nhắn dễ thương, mắt ánh lên niềm vui khôn tả, chúng tôi hiểu mùa xuân đã đến nơi đây thật rồi. Dẫn chúng tôi vào nhà, anh Trương Văn Minh, thôn Cổ Liêm, xã Tân Hoá cười vui: đợt lũ lớn nhà anh bị lũ cuốn trôi chỉ còn lại cái móng, sau lũ anh được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, vợ chồng anh Minh đã dựng lại được căn nhà khang trang.

Ngay sau đợt lũ lớn năm 2010, chính quyền địa phương và người dân ở Tân Hóa tìm cách để thích nghi với lũ lụt. Và giải pháp làm nhà phao ra đời. Từ khi có nhà phao, không những tính mạng người dân vùng lũ nơi đây được an toàn, mà nhiều tài sản có giá trị của bà con cũng giữ được, không bị mưa lũ "cướp" đi. Trận lũ lớn vừa qua, nhờ vào những cái nhà phao, hay còn gọi là nhà bè, nhà nổi mà người dân Tân Hóa đã chống chọi với mưa lũ hàng chục ngày trời không hề hấn gì. Những căn nhà phao vượt lũ ở Tân Hóa nhìn bên ngoài không khác gì những căn nhà gỗ bình thường có đầy đủ khung gỗ, vách che, mái lợp và cửa chính, cửa phụ ra vào. Nhờ những căn nhà phao, người dân vùng rốn lũ Tân Hoá đã chấm dứt được cảnh phải tá túc trên những lèn đá, ăn tạm mì tôm đợi ngày lũ rút.

Đến làng du lịch tốt nhất thế giới

Từ những căn nhà phao nổi giữa mênh mông biển nước, người dân vẫn sống, sinh hoạt giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Anh Châu Á Nguyên - một người con quê hương Quảng Bình đã nghĩ đến ý tưởng làm du lịch gắn với thích ứng thời tiết. Những cái gì độc, lạ luôn được khách du lịch nhiều nước tìm tới và Tân Hoá từ làng rốn lũ đến làng du lịch được mở ra.

Tân Hóa với những căn nhà nổi đã giúp người dân thích ứng với thời tiết.

Năm 2014, tuyến du lịch khám phá hang động Tú Làn ở Tân Hoá chính thức được vận hành. Từ đó hơn 100 người dân Tân Hoá tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch và có nguồn thu nhập khá từ công việc mới mẻ này. Đến nay, mỗi năm các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn đón gần 10.000 lượt khách. Người dân Tân Hóa bắt đầu quen dần với các hoạt động du lịch, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế cho bà con, vừa thay đổi về tư duy phát triển kinh tế chung sống với thiên nhiên.

Tiếp đó, Tân Hoá được các nhà làm phim Hollywood lựa chọn là điểm đến để quay bối cảnh bộ phim “bom tấn” Kong: Skull Island. Những nét hoang sơ, quyến rũ của thiên nhiên và con người thân thiện nơi đây dần dần được quảng bá ra toàn thế giới. Nhiều khách du lịch tìm đến và bà con Tân Hoá đã biến những căn nhà nổi của mình thành dịch vụ lưu trú homestay để thu hút du khách.

Theo anh Châu Á Nguyên, nhờ có du lịch, mô hình nhà nổi tránh lũ ra đời và trở thành mô hình lưu trú có một không hai. Đây là cách làm vừa đảm bảo an toàn dân sinh vừa phục vụ du lịch trải nghiệm khác biệt cho du khách. Người Tân Hoá đã biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền trên con đường chinh phục thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, với làng quê mộc mạc, yên bình. Vẻ đẹp làng quê ở Tân Hoá được giữ gìn nguyên vẹn đã và đang được đông đảo du khách trong nước và quốc tế thích thú khi tìm đến. Những căn nhà nổi ở Tân Hoá giờ trở thành những phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi cho du khách. Ngay cả những ngày nước lũ dâng cao, du khách cũng hoàn toàn yên tâm với căn phòng an toàn của mình. Nhiều khách còn thích thú chèo thuyền đi thăm cuộc sống của người dân trong lũ. Từ ý tưởng “làng du lịch”, đến nay Tân Hoá trở thành “làng du lịch thích ứng thời tiết”.

Năm 2023, Tân Hoá lại được thế giới biết đến khi được trao Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages_BTV). Giải thưởng này là một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Du lịch Thế giới (viết tắt là UNWTO) nhằm nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua du lịch.

Theo đó, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa cùng những cam kết và hành động của làng trong tuân thủ các trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.

Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, những cố gắng, nỗ lực của Tân Hoá đã đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Nơi đây đã sáng tạo ra một loại hình du lịch mới - du lịch thích ứng thời tiết. Và như thế, trong hành trình của mình, nếu có nơi nào đó trong sự khắc nghiệt của nắng gió miền Trung phải đóng cửa du lịch, thì với Tân Hoá, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và cộng đồng, nơi hiện hữu của tấm lòng, của sự sẻ chia thật hiếm có và khác biệt vẫn mở cửa đón du khách, đó là cách làm mới cần được nhân rộng, sẻ chia để góp phần phát triển ngành du lịch nước ta.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top