Độc đáo lễ hội Bà chúa Muối

16:29 - Thứ Sáu, 26/01/2024 Lượt xem: 6188 In bài viết

Thái Bình nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc như chèo làng Khuốc (được coi là đất Tổ của nghề chèo), múa Bát Dật cùng nhiều lễ hội nổi tiếng.

Trong số đó có Lễ hội Bà chúa Muối gắn với tục rước ông Đùng bà Đà phản ánh những ước vọng về cuộc sống, sự sinh sôi nảy nở mang tính phồn thực điển hình của văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và vùng “quê lúa” nói riêng.

Rước kiệu trong Lễ hội Bà chúa Muối.

Từ truyền thuyết đến lễ hội dân gian

Làng Quang Lang thuộc xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nổi tiếng với nghề làm muối gắn với sự tích về Bà chúa Muối. Chuyện xưa kể rằng, vào thế kỷ XIII, một gia đình làm muối ở trang Quang Lang (huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình) có cô con gái xinh đẹp, thông minh, chăm chỉ tên là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh (sinh năm Canh Thìn - 1280). Nàng thường thu hoạch muối giúp gia đình rồi đem lên thuyền đi bán khắp nơi.

Một ngày nọ, thuyền của nàng đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long. Đúng lúc ấy, thuyền của triều đình đi ngang qua. Thấy đám mây đẹp lơ lửng trên nóc thuyền của nàng, quan quân chèo thuyền đến gần thì thấy một người con gái tóc mây, mắt phượng, môi son, phong thái dịu dàng. Họ về tâu với vua Trần Anh Tông (1276-1320). Nhà vua đích thân tìm đến liền lập tức rước nàng vào cung, lập làm cung phi thứ ba và hết mực sủng ái. Ít lâu sau, nàng mang thai nhưng không sinh nở được. Nhà vua bèn cho nàng trở về quê nghỉ ngơi, nhưng nàng lâm bệnh nặng, mọi loại thuốc đều không chữa khỏi.

Ngày ngày, nàng chỉ ngồi bên cửa sổ trông ra cánh đồng muối bên ngoài, cả ngày không nói không cười. Thấy vậy, bọn trẻ trong làng bảo nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để làm nàng vui. Nhìn lũ trẻ nhảy múa, nàng cười nhẹ rồi qua đời. Hay tin, nhà vua vô cùng thương xót, sắc phong nàng là Phúc thần và lệnh cho dân làng lập đền thờ phụng muôn đời. Người dân thường gọi nàng là Bà chúa Muối và lập đền, phủ thờ ở xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Đền Bà chúa Muối hiện nằm trong cụm Di tích lịch sử cấp quốc gia miếu Ba Thôn - chùa Hưng Quốc; còn phủ thờ nằm cách đó không xa. Hằng năm, vào ngày 14 tháng Tư (ngày bà thác), dân làng Quang Lang và khu vực lân cận lại tổ chức Lễ hội Bà chúa Muối gắn với tục rước ông Đùng bà Đà nhằm tái hiện cảnh Bà chúa Muối và nhà vua gặp gỡ, vui quanh cùng con cháu.

Từ sáng sớm ngày 14 tháng Tư, sân đền Bà chúa Muối đã kín hình nộm ông Đùng bà Đà của các thôn để tiến hành các nghi thức rồi rước chúa đi quanh làng. Đoàn rước gồm hàng nghìn người, phía trước là kiệu Thánh, kiệu Mẫu, đội múa lân - rồng, trống phách... đi trong thanh âm vui nhộn của các loại nhạc cụ. Xẩm tối, người ta tiếp tục rước hình nộm ông Đùng bà Đà đan bằng các thanh tre thành hình chóp nón, cao gần 2m, bên trên trang trí hình mặt người phụ nữ và đàn ông. Ngoài ra còn có các Đùng con có kích thước nhỏ hơn. Các Đùng cùng nhảy múa trong sân đền. Trong ánh lửa, hình ông Đùng bà Đà nghiêng ngả, chạm vào nhau như bày tỏ tình cảm quyến luyến.

Ở bên ngoài, người dân sẽ ca tụng công đức của Bà chúa Muối: “Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm!”. Sau đó, đoàn rước rời sân đền đi vòng quanh làng. Các Đùng con quấn quýt xung quanh ông Đùng bà Đà như một gia đình, dân làng theo sau, vừa đi vừa hát múa. Khi đoàn rước trở lại sân đền, tục phá Đùng bắt đầu. Người dân thi nhau bẻ lấy những mảnh tre nhỏ trên các hình nộm với niềm hy vọng về một năm may mắn, sinh sôi, được mùa, “muối đầy bồ, tôm cá đầy khoang”...

Tôn vinh văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch

Lễ hội Bà chúa Muối và tục rước ông Đùng bà Đà gắn với tín ngưỡng phồn thực, mang những sắc thái văn hóa dân gian điển hình của vùng Đồng bằng sông Hồng nhưng vẫn thể hiện những nét riêng có của “quê lúa” Thái Bình. Tục rước ông Đùng bà Đà có nhiều biến thể và còn có ở làng An Xá (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) nhưng với tích truyện hoàn toàn khác. Hơn nữa, cũng không gắn với tín ngưỡng thờ Bà chúa Muối như ở Thái Bình. Theo các nhà nghiên cứu, trên dọc dải đất hình chữ S khắp từ Bắc vào Nam, có rất nhiều nơi làm muối nhưng chỉ duy nhất ở Thái Bình có tục thờ Bà chúa Muối đã tồn tại 7 thế kỷ. Trong khuôn khổ lễ hội này còn có tục rước ông Đùng bà Đà mang những sắc thái dân gian chỉ có ở Thái Bình. Ẩn tàng dưới lớp vỏ lễ hội và nghệ thuật trình diễn là những trầm tích văn hóa mang ý nghĩa sâu xa, thể hiện quan niệm “Uống nước nhớ nguồn” và tục thờ Mẫu, thờ thần hoàng phong phú của người Việt.

Đây là “tài sản” quý mà Thái Bình cần bảo tồn, phát huy giá trị thông qua việc khai thác loại hình du lịch di sản, du lịch văn hóa - tâm linh bằng sản phẩm độc đáo gắn với tín ngưỡng thờ Bà chúa Muối.

Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh (chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn), mặc dù nghề làm muối ở nhiều địa phương trên cả nước đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Bạc Liêu, Tây Ninh) nhưng Lễ hội Bà chúa Muối lại chưa có tên trong danh mục. Đó là thiệt thòi lớn không chỉ cho người dân xã Thụy Hải mà còn đối với di sản “độc nhất vô nhị” này. Việc ghi danh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, qua đó phát triển du lịch, mang lại sinh kế cho người dân. Nếu kết hợp phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh với các trải nghiệm làm muối và các trải nghiệm nông nghiệp khác, đây chắc chắn sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với Thái Bình.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top