Điểm đến văn hóa tại thành phố Buôn Ma Thuột

06:09 - Thứ Năm, 08/02/2024 Lượt xem: 5344 In bài viết

Những năm gần đây, khi ghé thăm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), khách du lịch hẳn sẽ không thể bỏ qua đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột, một không gian văn hóa dành cho những người yêu sách và muốn tìm hiểu hương vị cà-phê đặc biệt của đất trời Tây Nguyên.

Đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột đang được nỗ lực làm mới để thật sự trở thành điểm nhấn văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố.

Một góc đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột đón Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh HUY CHIẾN)

Đề án Đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột được phê duyệt tại Quyết định số 3400/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, đường sách được khởi công xây dựng vào tháng 12/2018 tại hẻm 2 đường Phan Chu Trinh nối đến đường Nguyễn Tất Thành, phía sau Nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột.

Chỉ dài vỏn vẹn khoảng 100 m, nhưng kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 3/2019, đúng dịp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7), đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột đã dần khẳng định được vị thế trong tạo dựng, tôn vinh văn hóa đọc, góp phần lan tỏa, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống Tây Nguyên tới du khách và cộng đồng.

Với gần 20 gian hàng có thiết kế ấn tượng, mang đặc trưng văn hóa địa phương, được chia thành các khu vực: Đọc sách, uống cà-phê, trưng bày đồ lưu niệm, khu vui chơi, ẩm thực…, đường sách nhanh chóng trở thành điểm hẹn mới của không chỉ giới trẻ mà còn của các gia đình, nơi người lớn được nhâm nhi cà-phê và đọc sách, còn trẻ nhỏ được thỏa sức vui chơi, bồi đắp tình yêu sách và niềm tự hào về quê hương xứ sở.

Điểm nhấn của đường sách là sự xuất hiện của những bức bích họa trên tuyến đường đi bộ mướt mát cây xanh, thể hiện cảnh sắc tươi đẹp của Tây Nguyên cùng nét văn hóa sống động của đồng bào Ê Đê, tạo nên những góc “check-in” cực thu hút, nhất là giới trẻ.

Trong suốt thời gian đầu vận hành, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật tại đường sách như:

Chương trình ra mắt sách, giới thiệu tác giả tác phẩm, hội thi vẽ tranh, triển lãm, chương trình âm nhạc, trình diễn trang phục truyền thống, chợ phiên giới thiệu sản vật Tây Nguyên...; kết hợp duy trì đều đặn các nhóm cộng đồng: Cộng đồng thích đọc sách, Câu lạc bộ thư pháp, Cộng đồng yêu âm nhạc..., đã giúp lượng khách đến với đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột ngày một tăng.

Thời điểm trước dịch, ước tính trung bình mỗi ngày, đường sách đón khoảng 600 lượt khách tham quan. Vào những ngày có sự kiện, con số này tăng gấp đôi; dịp cao điểm như Noel, Ngày hội sách, Phiên chợ xanh Tử tế… lượng khách tới đường sách lên đến 3.500 lượt.

Tuy nhiên, sau một năm hoạt động sôi nổi, dịch Covid-19 ập đến khiến không gian đường sách phải đối mặt thực trạng trầm lắng, hiu hắt.

Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Cà-phê Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian dịch bùng phát, các gian hàng buộc phải ngừng hoạt động kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà đầu tư, chủ gian hàng. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến đường sách rơi vào tình trạng vắng vẻ và ảnh hưởng lâu dài sau đợt dịch.

Bước sang năm 2023, lượng khách đến với đường sách đã có sự chuyển biến, nhưng vẫn giảm đáng kể so với trước dịch. Dù vẫn còn thời hạn hợp đồng sử dụng mặt bằng nhưng do kinh doanh không thể bù lỗ, cho nên nhiều gian hàng phải đóng cửa.

Ban quản lý đường sách đã cố gắng thúc đẩy các chương trình hoạt động, song với số lượng ít ỏi các gian hàng còn lại không thể đủ tạo nên nguồn năng lượng mạnh mẽ như thời gian đầu, dẫn đến tình trạng bạn đọc, người tham quan tới đường sách thưa thớt dần.

Với quyết tâm lấy lại sinh khí cho đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột, một chương trình hành động đã được xây dựng nhằm đưa đường sách bước vào chặng đường mới, có nhiều trải nghiệm phong phú, thú vị hơn, thực sự trở thành tụ điểm văn hóa, du lịch hút khách.

Cuối năm 2023, đơn vị vận hành đã thực hiện tái cấu trúc nội bộ, cải tổ bộ máy từ lãnh đạo đến nhân viên trực tiếp làm việc tại Ban quản lý đường sách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực, bảo đảm vai trò liên kết cũng như tăng cường hỗ trợ đối với các gian hàng trong đường sách.

Bước sang giai đoạn mới, từ năm 2024, đơn vị vận hành xác định sẽ tăng cường công tác đầu tư để thay đổi diện mạo toàn tuyến nhằm thu hút các đơn vị khai thác vào hoạt động tại đường sách, quy hoạch lại cụm chức năng theo hướng tập trung vào các giá trị văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường các gian hàng cà-phê sách, các lĩnh vực giáo dục về kỹ năng và trải nghiệm…

Đáng chú ý, danh sách các sự kiện, hoạt động theo quý, tháng, tuần của đường sách xuyên suốt năm 2024 đã được lên kế hoạch triển khai để thu hút cộng đồng tham gia, như:

  • Quảng bá văn hóa đọc qua các tác phẩm sách xuân, tổ chức sự kiện đêm giao thừa đón Tết Giáp Thìn 2024 (tháng 2);
  • chương trình văn nghệ, trưng bày sách về Buôn Ma Thuột, mảnh đất tình người (tháng 3);
  • Ngày sách lịch sử đất nước dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày hội văn hóa đọc (tháng 4);
  • Thi kể chuyện thiếu nhi với Bác Hồ (tháng 5);
  • Tuần lễ sách thiếu nhi, ngày sách báo chí (tháng 6);
  • Tuần lễ giới thiệu đặc sản Tây Nguyên, tri ân thương binh-liệt sĩ (tháng 7);
  • Ngày sách về tình yêu gia đình, công đức cha mẹ (tháng 8);
  • Sự kiện đón trung thu (tháng 9);
  • Ngày sách phụ nữ Việt Nam (tháng 10);
  • Ngày sách hiến chương nhà giáo (tháng 11);
  • Ngày sách quân đội nhân dân, tuần lễ sách giáng sinh (tháng 12)…

Với những nỗ lực này, hy vọng đường sách cà-phê Buôn Ma Thuột sẽ đổi mới mạnh mẽ, thật sự trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa nhiều sức hút, nơi văn hóa đọc được tôn vinh, văn hóa cà-phê và văn hóa truyền thống Tây Nguyên được tỏa sáng…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top