Đầm An Khê - nét trầm mặc bên nền văn hóa nghìn năm

07:01 - Chủ Nhật, 03/03/2024 Lượt xem: 4313 In bài viết

Nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 50km về phía nam, đầm An Khê (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) là một danh thắng mang vẻ đẹp trầm mặc nằm bên di chỉ Sa Huỳnh hàng nghìn năm tuổi với cảnh sắc nên thơ và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa.

Du khách chèo thuyền trên đầm An Khê.

“Hạt nhân” của nền văn hóa Sa Huỳnh

Đầm An Khê nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2023, nơi lưu giữ những giá trị độc đáo về văn hóa - lịch sử từ hàng nghìn năm trước.

Nhắc đến Sa Huỳnh, nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết: “Nói đến Sa Huỳnh không chỉ nói đến một miền biển có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình mà Sa Huỳnh còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người Chăm từ hàng nghìn năm trước. Đó là văn hóa tiền Sa Huỳnh và văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây, bãi cát đã in dấu chân của nhiều nhà khảo cổ phương Tây như M.Vinet, La Barre, M.Colani... và nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam. Ở đó, hàng trăm mộ chum đã được khai quật. Vùng đất Sa Huỳnh được chứng thực là nơi di trú và nơi an táng của cư dân Sa Huỳnh cổ”.

Ông Lê Hồng Khánh cũng cho biết thêm, trong chuỗi di tích ấy, đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất của quá trình phát sinh, phát triển và lan tỏa văn hóa Sa Huỳnh trong quá khứ. Nơi đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, khai thác thủy sản và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh thời xa xưa.

Đóng vai trò như là “hạt nhân” của nền văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê - đầm nước tự nhiên lớn nhất Quảng Ngãi được bao quanh bởi nhiều địa chỉ văn hóa như gò Cỏ, gò Ma Vương, Vũng Bàng, Phú Khương... Đầm An Khê có diện tích mặt nước khoảng 347ha, dài nhất là 3.500m, chiều rộng 1.000m. Nơi sâu nhất trong đầm là 4m. Đầm hình thành trong thời kỳ biển lùi sau thời kỳ biển tiến Flandrian cực đại từ 6.000 - 7.000 năm về trước, và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000 - 4.000 năm trước.

Đây là một di sản thiên nhiên, một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Hiện nay, đầm An Khê vẫn là nguồn sinh kế của người dân nơi đây với các nghề chính là đánh bắt thủy sản và khai thác du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử và các lễ hội truyền thống trong vùng.

Phát triển du lịch bền vững

Ý thức được vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ của đầm An Khê, người dân nơi đây đã quyết định tham gia làm du lịch cùng chính quyền. Ngoài những sự kiện được chính quyền tổ chức, người dân đã tự khai thác thế mạnh du lịch tại địa phương.

Tại thôn Phú Long (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ), nơi đầm An Khê giáp biển có một bãi dừa tuyệt đẹp mà trước đây ít được chú ý đến. Song nhiều YouTuber, Streamer (người thực hiện phát sóng trực tiếp cho người xem thông qua một nền tảng trực tuyến) đã “chỉ lối” cho người dân để họ bắt tay vào phát triển du lịch tại địa phương. Hàng chục cây dừa vươn cao và những tàu lá tỏa ra, ôm cả một góc đầm. Đến bãi dừa du khách cảm giác như bước đến một thế giới khác. Bãi dừa không có người dân sinh sống, không có sự xô bồ, ồn ào nên nhanh chóng thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan. Đó là điều kiện để người dân phát triển du lịch. Từ thôn Phú Long qua bãi dừa cần có đò đưa. Người dân đã tận dụng những chiếc ghe “ngư nhàn” để đưa khách du lịch đến bãi dừa.

Còn ở khu vực đầm giáp với quốc lộ 1A, khách du lịch đến đây có thể cắm trại qua đêm, ngắm hoàng hôn và bình minh cực kỳ thơ mộng. Người dân đang có hướng phát triển du lịch homestay. Họ sẽ tự nuôi trồng, đánh bắt và bán lại cho khách du lịch. Du khách không chỉ an tâm khi đặt chân đến đây, mà còn rất hài lòng khi được cung cấp những thực phẩm tươi sống, chất lượng. Anh Lê Phương Huy (Quảng Ngãi) nói: “Tôi rất thích thú khi được mua những con cá tươi roi rói còn đang nằm trong tấm lưới chài của ngư dân. Điều đó thực sự thú vị”.

Ngoài ra, du khách đến đây còn có thể theo chân người dân đi đánh bắt thủy sản, du ngoạn trên đầm nước. Du khách sẽ được xem người dân thả lưới, kéo lưới và được vào vai ngư dân để trải nghiệm việc đánh bắt. Khách du lịch cũng có thể thuê thuyền phao và tự điều khiển để ngắm cảnh sắc của đầm An Khê. Những điều đó đã khiến việc phát triển du lịch ở đầm An Khê có phần khởi sắc.

Nhiều bạn trẻ đến đây tham quan, trải nghiệm cho hay, họ chọn nơi này vì đầm An Khê là địa chỉ mới nổi, còn hoang sơ và phù hợp cho việc thực hiện những hoạt động như cắm trại, chèo thuyền...

Đến đầm An Khê, rất thuận lợi để khách tham quan đi đến những địa chỉ như làng Gò Cỏ - nơi có những con đường, những bức tường và hơn mười giếng cổ được người Sa Huỳnh cổ ghép bằng các khối đá; nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh - nơi lưu giữ những giá trị nghìn năm, hoặc đến biển Sa Huỳnh để nghe sóng hát. Do đầm An Khê là nút giao, nên rất thuận tiện để khách du lịch có thể tham quan nhiều địa điểm tại nơi đây.

Du lịch đã bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, đây là Di tích quốc gia đặc biệt, vì thế, vấn đề bảo vệ và phát huy những giá trị ở đầm An Khê cũng đặt ra cho chính quyền cũng như người dân nhiều thách thức. Đặc biệt là làm sao phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến di tích và môi trường. Vì vậy, người dân vẫn luôn ý thức, động viên khách du lịch không xả rác, không phá hoại cảnh quan, sản vật tại đầm nước. Đó cũng là điều kiện để giúp du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nơi đây phát triển lâu dài.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top