Vấn đề kỳ này

Cơ hội cho du lịch bứt phá

12:36 - Thứ Năm, 07/03/2024 Lượt xem: 4592 In bài viết

ĐBP - Điện Biên được xác định là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ. Khi sở hữu quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, với bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng, hấp dẫn…

Năm 2024, Điện Biên kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024); Đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên gắn với Lễ hội Boa Ban 2024. Các hoạt động cho năm “đại lễ” đã sẵn sàng. Đây là cơ hội để Điện Biên quảng bá, giới thiệu đến du khách, bạn bè gần xa những gì mình có và kế hoạch cho lộ trình dài hơi trong phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư; phục hồi bản sắc văn hoá, phát triển hệ sinh thái du lịch đa dạng, phong phú riêng có…

Xác định du lịch, dịch vụ là thế mạnh của tỉnh, do vậy, trong nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, ngành chủ quản đã nỗ lực đề ra các chương trình, kế hoạch để thực hiện một cách bài bản, khoa học. Chú trọng đầu tư, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải tạo cảnh quan môi trường, giao thông quanh các khu, điểm di tích; quy hoạch, mở thêm nhiều tua, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch; hỗ trợ kinh phí phát triển các bản văn hoá du lịch. Huy động, kêu gọi nhiều thành phần, nguồn lực tham gia phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải… Nhờ đó, ngành Du lịch tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, ngày càng đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm, trải nghiệm của du khách tại địa phương. Năm 2023, Điện Biên đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 23% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.750 tỷ đồng, đạt 109%, tăng 29,6% so với năm 2022. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch ước đạt 2,6 ngày.

Tuy nhiên, sẽ hoàn hảo, ấn tượng và hấp dẫn hơn đối với du khách đó là được trải nghiệm nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, tham quan, mua sắm nhiều hàng hóa đặc trưng của Điện Biên.

Lên với mảnh đất “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của 70 năm trước. Vị trí địa lý xa xôi, giao thông cách trở, do vậy phải làm sao để du khách không chỉ ở một, hai mà nhiều ngày cho chuyến hành trình; đến một lần phải lưu luyến, muốn trở lại nhiều lần sau. Không chỉ riêng mình mà thuyết phục thêm bạn bè, người thân cùng lên Điện Biên tham quan du lịch; phải chi tiêu hết tiền cho hành trang du lịch tại Điện Biên.

Một du khách tỉnh Bắc Giang đi cùng chúng tôi lên thăm cột mốc số 0 (A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé). Từ TP. Điện Biên Phủ lên mốc số 0 với quãng đường khoảng 250km, đi ô tô mất 5 giờ đồng hồ. Dọc đường, do nhiều khúc cua gấp, ngồi ô tô không quen nên ai nấy mệt nhoài. Đoàn nhiều lần tìm chỗ nghỉ ngơi, uống nước giải khát, đồng thời chụp một vài bức ảnh lưu lại hành trình chuyến đi, nhưng không dễ tìm thấy.

Anh trưởng đoàn so sánh: Mốc số 0 - A Pa Chải rất nổi tiếng; đường lên đây cũng gian khó không khác gì đi Hà Giang. Nhưng bên ấy họ làm du lịch rất tốt. Dọc đường có nhiều điểm dừng chân nghỉ ngơi, vui chơi, chụp ảnh, mua hàng lưu niệm, nhất là thưởng thức sản vật địa phương, hàng OCOP… Điện Biên muốn khai thác du lịch tại A Pa Chải nói riêng, Mường Nhé nói chung nên nghiên cứu cách làm phù hợp. Không chỉ Nhà nước mà huy động doanh nghiệp, hộ dân tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ với quy mô, cấp độ khác nhau.

Là “thành phố du lịch”, do vậy các điểm vui chơi, giải trí; các hoạt động văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, mua sắm hàng hoá, nhất là vào ban đêm cũng cần được nghiên cứu đầu tư, tạo sân chơi đa dạng cho du khách.

Những hạn chế này cần có giải pháp, cách làm và lộ trình tháo gỡ, thực thiện một cách bài bản, cụ thể của nhiều cấp, ngành. Để du lịch thực sự trở thành ngành “kinh tế mũi nhọn”, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều thành phần kinh tế, lao động địa phương như Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top