Rực rỡ sắc Ban giữa đại ngàn

15:07 - Thứ Năm, 14/03/2024 Lượt xem: 4523 In bài viết

ĐBP - Giữa tiết xuân ấm áp, ngược ngàn lên Tây Bắc của Tổ quốc, có một loài cây đã gắn bó với người dân Điện Biên từ ngàn đời đó chính là hoa ban. Vẻ đẹp của loài hoa ấy được coi là biểu trưng cho đất và người Điện Biên. Khi Lễ hội Hoa Ban và Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 khai màn thì những cánh hoa trắng muốt, tinh khôi ấy đã và đang bung nở, dịu dàng khoe sắc khắp mảnh đất cực Tây.

Hoa ban nở trắng những cung đường lên Điện Biên.

Từ ngàn đời nay, hoa ban đã trở thành một nốt nhạc không thể thiếu trong bản hòa ca mùa xuân Điện Biên, Tây Bắc. Những cánh trắng mỏng manh mà bền bỉ như sự chắt chiu của đại ngàn hùng vĩ, bung nở sau khi mùa đông tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Với vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ nhọc nhằn đá núi, hoa ban đã đi vào đời sống tinh thần, gắn bó với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và trở thành tài sản chung của nhân dân Điện Biên - Tây Bắc.

Thời điểm này đang là trung tuần tháng 3 - lúc hoa ban bung nở nhiều nhất trên khắp mảnh đất Điện Biên. Nếu di chuyển bằng đường bộ, khi vào địa phận tỉnh Điện Biên du khách dễ dàng bắt gặp những cây ban nở trắng muốt bên vệ đường, trên sườn đồi, sườn núi. Càng gần đến TP. Điện Biên Phủ, mật độ cây ban càng dày hơn, những cánh hoa trắng muốt rung rinh trong gió như chào đón du khách đến với mảnh đất cực Tây vào mùa đẹp nhất trong năm. Theo nhiều du khách có kinh nghiệm tới thăm Điện Biên, hoa ban nở ở nơi đâu trên mảnh đất này cũng đẹp. Nhưng có lẽ khiến lòng người say đắm và dễ lưu lại những hình ảnh đẹp nhất là khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (xã Na Ư, huyện Điện Biên), khu vực bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ). Ngoài ra, du khách có thể ghé các rừng ban trắng để có những bức ảnh độc đáo, đẹp nhất như Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), Chiêu Ly (xã Sa Lông, huyện Mường Chà), bản Dư O (huyện Điện Biên Đông) hay bản Nậm Cứm (xã Ngói Cáy, huyện Mường Ảng)… Tại những điểm trên, ban mọc thành hàng trải dài uốn lượn theo khúc cua, có cây nở trắng cánh hoa, có cây vẫn còn điểm xuyết vài chiếc lá. Hấp dẫn là các điểm này không nằm ở khu trung tâm, xa thành phố ồn ào, du khách có thể thoải mái thả hồn theo cánh ban trắng tinh khôi.

Hoa ban điểm tô cho những cánh đồng lúa tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Tại TP. Điện Biên Phủ - trung tâm của miền đất hoa ban không hề thiếu những cây hoa đẹp đắm say lòng người, thu hút du khách, người dân đến check-in. Một số điểm nổi bật như đường tại khu vực bản Huổi Phạ, phường Him Lam; khu vực công viên hồ điều hòa đường 60m, phường Noong Bua… từ nhiều ngày nay hoa ban đã nở trắng trời, hòa mình vào trong nắng đón chào du khách gần xa.

Những bông hoa ban cánh trắng muốt.

Khoác lên mình trang phục truyền thống dân tộc Thái, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên Lù Thị Yến Nhi với bạn cùng lớp Vì Thị Nga xúng xính đi ngắm hoa, chụp ảnh, quay video lưu lại những kỷ niệm của mùa ban nở năm nay. Yến Nhi tâm sự: “Vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban tựa như tâm hồn của người con gái Thái, vì vậy mà với em hoa ban nở ở đâu, dù nở ít hơn hay nhiều hơn cũng đều đẹp như nhau. Thế nên cứ mỗi độ tháng 3 về, em lại rủ bạn đi ngắm hoa và lưu lại những bức ảnh đẹp. Như mọi năm là em lên chụp tại khu vực xã Thanh Nưa, gần khu văn hóa tâm linh Linh Quang. Năm nay em chọn khu công viên hồ điều hòa đường 7 tháng 5 vì ở đây hoa nở nhiều, cây thấp và có nhiều góc chụp ảnh hơn. Hôm nay chụp với áo truyền thống dân tộc Thái và hôm khác sẽ chụp với bộ áo dài truyền thống của Việt Nam. Bởi theo cá nhân em, chụp ảnh với hoa ban cả 2 trang phục này đều đẹp và thực sự có ý nghĩa…”.

Khoe sắc rực rỡ trên các triền đồi, lưng núi.

Nếu du khách đi xa hơn, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 150km, ở thôn Tà Si Láng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa là nơi có rừng hoa ban cổ. Theo người dân địa phương chia sẻ, rừng ban Tà Si Láng đã có từ nhiều năm trước và đều là các cây mọc tự nhiên. Trước đây, bởi yêu thích vẻ đẹp của hoa ban mà người dân thôn Tà Si Láng không xâm hại đến rừng ban. Kể từ khi có định hướng phát triển du lịch và các nghị quyết, kế hoạch về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây hoa ban thì rừng ban Tà Si Láng được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: “Trên địa bàn xã Tủa Thàng có rừng ban cổ Tà Si Láng, mật độ cây rất tập trung. Huyện cũng đã khoanh vùng và quy hoạch thành một điểm du lịch để cho khách đến trải nghiệm và check-in. Đồng thời, hướng dẫn chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng quy ước bảo vệ, chăm sóc hướng tới có thể trở thành một điểm du lịch từ rừng hoa ban này”.

Hoa ban làm say lòng bao du khách.

Rừng ban Tà Si Láng có mật độ cây dày cùng với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp đã tạo nên vẻ đẹp riêng. Rừng ban này có nhiều cây to; cánh hoa ban dày, lâu tàn. Vẻ đẹp nguyên sơ của rừng ban Tà Si Láng đã được nhiều người biết đến và là một địa chỉ để các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các đoàn làm phim săn ảnh, ghi hình. Cùng đoàn công tác Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long tới tác nghiệp tại thôn Tà Si Láng, nhà báo Kim Phụng rất bất ngờ với vẻ đẹp của hoa ban nơi đây. Nhà báo Kim Phụng chia sẻ: “Hoa ban được xem là biểu tượng của tỉnh Điện Biên. Trước khi đến đây tôi cũng đã tìm hiểu nhiều trên các phương tiện truyền thông và được biết ở Tà Si Láng có rừng ban cổ rất nổi tiếng. Nếu đã về với Điện Biên, về ngắm hoa ban thì phải cố gắng đặt chân tới vùng đất này. Hoa ban ở đây rất đẹp, rực rỡ, bừng nở trắng cả cánh rừng. Đó là lý do mà ê-kíp thực hiện chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cố gắng vượt đường sá xa xôi để đến với rừng ban tuyệt vời này”.

Thiếu nữ dân tộc Hà Nhì lưu lại khoảnh khắc đẹp với hoa ban.

Việc trồng và phát triển rộng cây hoa ban những năm qua được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm thực hiện nhằm mục đích phát triển du lịch, tạo dấu ấn trong lòng du khách; từng bước đưa hình tượng hoa ban trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách  khi đến Điện Biên. Tính đến tháng 1/2024, toàn tỉnh đã trồng được trên 62.000 cây ban, xác định được 1.566ha rừng có mật độ cây ban cao cần bảo vệ và chăm sóc. Tổng nguồn vốn chi cho trồng chăm sóc bảo vệ cây hoa ban đến nay đạt khoảng 28,106 tỷ đồng, với gần 50% kinh phí do các tổ chức, nhà tài trợ giúp đỡ. Vào thời điểm này, hoa ban đã bung nở rực rỡ, sẵn sàng đón chào du khách đến với Điện Biên, đến với Lễ hội Hoa Ban và Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 tại mảnh đất cực Tây Tổ Quốc.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top